Lấy kinh tế biển làm trung tâm

Kinh tế - Ngày đăng : 11:22, 25/12/2019

BT- Bước sang năm mới 2020, Phú Quý tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy kinh tế biển làm trung tâm. Đồng thời định hướng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch trên địa bàn, huy động tối đa các nguồn lực để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện đảo…
                
Nuôi hải sản lồng bè trên huyện đảo Phú    Quý.

 Với đặc thù huyện đảo, Phú Quý xác định tập trung đẩy mạnh kinh tế biển là hướng phát triển phù hợp dù còn gặp khó khăn do nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên nhờ năng lực tàu thuyền hiện có gần 1.400 chiếc/256.653 CV (trong đó tàu cá công suất từ 90 CV trở lên là 523 chiếc/238.278 CV, riêng tàu làm dịch vụ thu mua và chế biến hải sản là 140 chiếc/74.142 CV), nên sản lượng đánh bắt hải sản vẫn duy trì ổn định. Dự ước cả năm 2019, sản lượng đánh bắt hải sản của huyện đảo khoảng 30.012 tấn, đạt 103,5% kế hoạch đề ra và trong năm không phát hiện trường hợp tàu thuyền tham gia khai thác vi phạm lãnh hải nước ngoài… Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng hải sản trên địa bàn Phú Quý cũng tương đối ổn định với gần 60 cơ sở tham gia và sản lượng xuất lồng cá nuôi ước khoảng 105 tấn, đạt 105% kế hoạch năm.

Cùng với thế mạnh khai thác hải sản, gần đây địa phương cũng chú trọng phát triển du lịch biển - đảo, nhất là sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Đề án Quy hoạch Khu du lịch Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Theo đánh giá của huyện, hoạt động du lịch trên địa bàn trong năm nay diễn ra khá sôi động, các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng và từng bước khởi sắc. Trong đó du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng... là loại hình rất hấp dẫn và ước cả năm 2019 thu hút khoảng 42.300 lượt khách đến Phú Quý (tăng 22.800 lượt so năm ngoái). Góp phần khai thác tiềm năng du lịch huyện đảo cũng ghi nhận hoạt động vận tải đường biển được duy trì, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân lẫn du khách. Hiện có 10 tàu hoạt động vận tải trên tuyến Phú Quý - Phan Thiết, bao gồm: 2 tàu hoạt động hành khách - hàng hóa, 4 tàu vận chuyển hành khách (cao tốc Superdong I và II, cao tốc Phú Quý Express và tàu Hưng Phát 26), 2 tàu chuyên chở xăng dầu, 2 tàu chuyên chở hàng hóa…

Để kinh tế biển phát triển tương xứng tiềm năng, huyện đảo xác định trong năm 2020 sẽ tập trung duy trì và nâng cao năng lực các đội tàu khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển để phấn đấu đạt sản lượng khai thác vượt kế hoạch đề ra (30.000 tấn). Ngoài ra còn tập trung phát triển mạnh dịch vụ nghề cá nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nghề khai thác xa bờ, như: Dịch vụ thu mua, sơ chế, cung ứng nguyên - nhiên liệu, vật tư, sửa chữa tàu thuyền và các trang thiết bị nghề cá, kho hầm bảo quản. Cùng với đó sẽ triển khai tốt chính sách phát triển thủy sản theo nghị định của Chính phủ, tích cực tuyên tuyền đến ngư dân địa phương không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài… Đối với hoạt động du lịch thì đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch tại đất liền, hướng tới quảng bá hiệu quả tiềm năng huyện đảo ra bên ngoài, xúc tiến tour du lịch tại Phú Quý. Qua đó từng bước phát triển đa dạng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, đồng thời chú trọng xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Phú Quý “an toàn - thân thiện - chất lượng”.

ĐÌNH QUỐC