Ô nhiễm môi trường từ sang chiết nhớt đen

Đời sống - Ngày đăng : 05:08, 17/04/2024

Thời gian qua, một số vụ việc sang chiết nhớt lậu trái phép tại các nơi vùng sâu, xa khu dân cư đã bị người dân cùng lực lượng chức năng phát hiện, góp phần hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường trong khu vực nông thôn, nơi sản xuất.

Vào trung tuần tháng tư, thông qua nguồn tin người dân thôn Suối Bang, khu vực vùng sâu xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân phát hiện điểm chiết nhớt lậu ngay trên địa bàn (giáp ranh huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), lực lượng Công an Hàm Tân đã nhanh chóng vào kiểm tra, lập biên bản vụ việc hiện trường. Khu xưởng này được rào, che chắn kín đáo rộng trên 200 m2 nằm trong vườn keo lá tràm, khuất khu vực dân cư thôn Suối Bang nhằm qua mắt người dân địa phương. Qua khám xét, Công an Hàm Tân cho hay, khu vực nhà xưởng có khoảng 7.000 lít dầu nhớt thành phẩm không có nhãn mác, 4.000 lít nguyên liệu là nhớt thải được chứa trong các thùng nhựa, 10 thùng phuy chất thải rắn và toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, dung dịch phục vụ hoạt động tái chế. Đây là phân xưởng nấu tái chế nhớt thải trái phép do 4 đối tượng vận hành. Khi làm việc với người chịu trách nhiệm điều hành tại đây, người này khai nhận bản thân là người làm thuê, được một người không rõ địa chỉ nơi ở, tên thường gọi là Bảy cũng không có mặt tại nơi chế biến, trông coi cơ sở. Bảy thường liên lạc chỉ đạo qua điện thoại, khi cần cho xe đến chở dầu nhớt thành phẩm đi tiêu thụ.

z5335164217611_15163b5caab8b65c18d7d30b19e00e72.jpg
 Công an Hàm Tân khám xét điểm chế biến nhớt lậu ở thôn Suối Bang, xã Thắng Hải

Công an huyện Hàm Tân cho rằng, toàn bộ quy trình tái chế nhớt thải trái phép này bằng phương pháp thủ công, lộ thiên qua đun nấu kết hợp với pha chế hóa chất độc hại đã thải ra một lượng lớn mùi hôi, khói độc gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường và làm thẩm thấu vào đất ở khu vực xung quanh. Trước đó, một số người dân thôn Suối Bang chứng kiến khu vực sang chiết nhớt thải này rất khó chịu mùi hóa chất nồng nặc, hôi thối. Đặc biệt, nhớt thải sau khi tách ra lượng thành phẩm sẽ còn tồn lại một lượng chất cặn bã ở dạng rắn rất khó hòa tan và có khả năng các đối tượng sẽ đem chôn vào đất. Những loại nhớt thải này đem vào sử dụng sẽ làm giảm tuổi thọ và gây ảnh hưởng sự an toàn máy móc, phương tiện, thiết bị, nhất là đối với mô tô, xe máy. Ngoài ra, dầu nhớt giả có giá thành bán ra sẽ rẻ làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

z5334964500366_090a2fcf5f46bd1d8373eb8d6ef20676.jpg
Sang chiết nhớt đen gây ô nhiễm môi trường khu vực thôn Suối Bang

Trong khuôn khổ liên quan, cũng vào trung tuần tháng tư, Công an huyện Tánh Linh đã phát hiện điểm tái chế nhớt thải nằm sâu trong vườn điều thuộc Tiểu khu 382, đất giao khoán thuộc xã Suối Kiết, do T.V.N (SN 1971, thường trú TP. Biên Hòa, Đồng Nai), tạm trú xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam vận hành. Tại đây có gần 1.000 lít nhớt tái chế thành phẩm và ở dạng nhớt đen. Trước đó, một cơ sở tái chế nhớt thải ra dầu diesel nằm sâu trong khu vực lâm trường ở thôn Lập Đức, xã Tân Lập cũng bị Công an huyện Hàm Thuận Nam phát hiện, thu giữ 10.000 lít dầu diesel giả.

Có thể thấy rằng, các điểm sang chiết nhớt, dầu diesel lậu thường được đối tượng bố trí khu vực sâu xa, vắng người qua lại, dễ bề hoạt động; nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, miền núi rất cao nếu cơ sở này chế biến thời gian dài. Người dân ở vùng nông thôn cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực (như người dân thôn Suối Bang trình báo điểm sang chiết lậu vừa qua). Việc làm này sẽ hỗ trợ công an các địa phương nhanh chóng triệt phá các điểm sang chiết nhớt lậu khi hình thành chưa lâu, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn bền vững.

Thái Khoa