Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 05:10, 17/04/2024
Các Đề án đảm bảo khoa học, hợp lý
Theo đề cương nhiệm vụ triển khai Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời điều chỉnh ĐGHC để mở rộng TP. Phan Thiết vừa được phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu việc xây dựng hồ sơ, Đề án phải thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Các Đề án phải đảm bảo khoa học, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng và đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đề ra.
Đồng thời, quá trình xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch: quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội, tạo không gian phát triển mới, đồng thời kết hợp với việc điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Ngoài ra, sắp xếp ĐVHC cấp xã gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các ĐVHC cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Phạm vi nghiên cứu Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, gồm 17 ĐVHC cấp xã thuộc 5 ĐVHC cấp huyện gồm: TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân. Trong đó có 9 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp; 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp; 7 đơn vị thuộc diện liền kề liên quan đến sắp xếp. Đối với Đề án điều chỉnh ĐGHC để mở rộng TP. Phan Thiết và thành lập các phường thuộc TP. Phan Thiết gồm 3 ĐVHC cấp huyện và 5 ĐVHC cấp xã có liên quan.
6 tháng để hoàn thành đề án
Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giao nhiệm vụ, cơ quan đơn vị, địa phương căn cứ Phương án số 828 của UBND tỉnh về ban hành Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện điều chỉnh ĐGHC để mở rộng TP. Phan Thiết; ý kiến của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương có liên quan, xây dựng các Đề án và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Trong đó, xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 cần tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập các tài liệu, số liệu, bản đồ, thu thập các thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi nghiên cứu. Trên cơ sở đó, tổng hợp số liệu, đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các ĐVHC; so sánh với các tiêu chuẩn ĐVHC, tiêu chuẩn thành lập phường thuộc thành phố, thị xã; tiêu chuẩn đối với thị trấn thuộc huyện; rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập các phường theo quy định... Tiến tới tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn ĐVHC cấp xã liên quan Đề án; trình Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và ban hành nghị quyết thông qua. Từ đó, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo quy định của pháp luật...
Tương tự đối với việc xây dựng Đề án điều chỉnh ĐGHC để mở rộng TP. Phan Thiết và thành lập các phường thuộc TP. Phan Thiết cần tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ, tổng hợp số liệu, xây dựng bản đồ ĐGHC các ĐVHC thuộc phạm vi nghiên cứu. Đồng thời, đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và hạ tầng của các ĐVHC; đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập các phường; tham mưu phương án hoàn thiện các tiêu chí chưa đảm bảo theo quy định... Tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn ĐVHC cấp xã liên quan Đề án; trình Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương điều chỉnh ĐGHC để mở rộng TP. Phan Thiết và thành lập các phường thuộc TP. Phan Thiết và ban hành nghị quyết thông qua.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật Quy hoạch tham mưu rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy hoạch này với phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập Quy hoạch chung đô thị Phan Thiết; Lập Chương trình phát triển đô thị Phan Thiết; Lập Đề án đề nghị công nhận đô thị Phan Thiết đạt tiêu chí đô thị loại II; Lập Quy hoạch phân khu khu vực dự kiến thành lập phường Tiến Lợi, TP. Phan Thiết; Lập Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã La Gi; Lập Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi...