Làm gì để tránh bệnh cho trẻ mùa nắng nóng?

Đời sống - Ngày đăng : 05:22, 18/04/2024

Lượng bệnh nhi điều trị nội trú tại Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tăng do các trường hợp tiêu chảy. Bởi thời tiết nắng nóng, bảo quản thức ăn không tốt.

Đơn cử, bé H. A. H. là học sinh tiểu học, đang điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Bé H. cho biết: “Bé ăn quà vặt có món thạch trái cây. Sau khi ăn xong, bé bị đau bụng rất nhiều, nói với mẹ. Mẹ đưa bé đến bệnh viện, bác sĩ khám nói bé bị viêm đường ruột do ăn quà vặt".

Không riêng gì trường hợp bé H. A. H. mà còn nhiều trường hợp trẻ khác ở đủ lứa tuổi đang nhập viện, điều trị bệnh tiêu chảy, bệnh viêm đường ruột tại Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Số trẻ điều trị bệnh này tăng, khoảng 40 ca nhập viện điều trị nội trú bệnh tiêu chảy.

khoa-nhi.jpg
Bác sĩ khám bệnh cho trẻ điều trị nội trú tại Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Bởi thời tiết nắng nóng, cách bảo quản thực phẩm không hợp lý tạo điều kiện thuận lợi thức ăn bị nhiễm khuẩn, nấm. Điều này dẫn đến thực phẩm ôi thiu sau khi nấu chín trong thời gian ngắn. Mặt khác, sức đề kháng của trẻ em kém, thì dễ mắc bệnh tiêu chảy và bệnh mau trở nặng hơn so với người lớn, khi vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn thông qua đường ăn uống. Bệnh tiêu chảy làm cho trẻ mất nước và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ nếu không được xử lý kịp thời. Trong thực tế, khi trẻ bị tiêu chảy, một số phụ huynh tự ý cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy; cho trẻ giảm uống, ăn kiêng - chỉ ăn cháo muối, cháo đường. Điều này gây trẻ suy kiệt mất nước, nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Vân - Phó phụ trách Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết: Lượng bệnh nhi tăng đột biến do các trường hợp tiêu chảy, một số phụ huynh theo dõi bé rất tốt. Trẻ bị tiêu chảy nhiều dẫn đến mất nước, thậm chí bị sốc, nhiễm trùng nặng. Và dấu hiệu để biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn ói. Khi trẻ có những dấu hiệu như đề cập, phụ huynh chú ý bù nước đầy đủ cho trẻ nhằm tránh tình trạng mất nước quá nặng dẫn đến sốc; và đến ngay bệnh viện để được thăm khám, đánh giá tình trạnh sức khỏe. Từ đó bác sĩ có hướng điều trị sớm và thích hợp.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ, cũng như một số bệnh khác trong mùa nắng nóng, bác sĩ Vân khuyến cáo các phụ huynh trước khi nấu, lựa chọn thực phẩm tươi ngon. Sau khi nấu chín, thực phẩm phải bảo quản đúng cách tránh bị ôi, thiu. Khi trẻ đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, phụ huynh bù nước cho trẻ và đưa ngay đến bệnh viện. Mùa nắng nóng, trẻ ra mồ hôi rất nhiều khi chơi. Do đó, phụ huynh không để trẻ đi tắm hoặc vào phòng lạnh ngay mà không có sự chuyển đổi nhiệt, thì trẻ sẽ bị sốc nhiệt. Thêm vào đó, trẻ ra ngoài phải mặc đồ, thoa kem chống nắng tránh bị phỏng da ở trẻ.

TRANG MINH