Chuyện ghi ở Suối Sâu

Đời sống - Ngày đăng : 05:05, 19/04/2024

Giữa vùng đất “khát” trải dài phía nam Bình Thuận, thôn Suối Sâu - xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh cũng đang âu sầu vì thiếu nước.
img_8884.jpg
Một góc thôn Suối Sâu.

Đúng thôn vùng sâu

Những ngày này đi giữa mùa khô hạn ở vùng đất “khát” phía nam của Bình Thuận, nơi trải dài từ huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi đến Tánh Linh, Đức Linh, tôi ngỡ mình như đang đi trên sa mạc. Bởi nước – một nhân tố quyết định sự sống còn của con người đang rất hiếm ở đây, nhất là ở các thôn vùng sâu, vùng xa, nơi người dân sinh sống hoàn toàn nhờ vào nước trời và nước ngầm. Các sông, suối, ao, hồ đều trơ đáy, mặt đất nứt nẻ vì nắng nóng như nung. Trong số các thôn tôi đặc biệt quan tâm đến Suối Sâu, một trong những nơi xa trung tâm của xã Suối Kiết, đó là chưa nói đến trung tâm huyện, vì đường đi lối lại không thuận. Theo lịch sử Đảng bộ xã Suối Kiết, đây là thôn non trẻ nhất xã, chỉ mới thành lập cách đây chưa đầy 20 năm, với số hộ ban đầu hơn 200 hộ, nay đã lên hơn 300/1.200 khẩu.

img_8869.jpg
Phủ một màu xanh của lá.

Toàn thôn phủ một màu xanh của những vườn cây ăn trái đang mùa ra hoa kết trái, nhiều nhất là xoài. Thôn trưởng Bùi Minh Tâm cho biết: “Tổng diện tích xoài của thôn khoảng 300 ha, còn lại là các cây trồng khác. Phần lớn cây trồng ở đây đều là loại cây chịu hạn”. Những người “ngoại đạo” như tôi mới đến cứ tưởng vùng đất này màu mỡ trù phú, nguồn nước dồi dào, địa hình thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng không phải vậy, mà thực tế nước ở đây thiếu gần như quanh năm. Cũng như những nơi khác trong vùng khát, người dân phải đi mua nước về sử dụng ăn, uống, sinh hoạt, lo nhất là vào mùa khô.

z5348716771137_dd47074a2f1dc453953ba52726d9665c.jpg
Sông Giêng khô nước.
z5348716123834_6b397d8b4f501f2496b68bf74206d975.jpg
Còn một chút nước cuối cùng trên sông, người dân tận dụng bơm tưới cho vườn cây.
z5350209671369_5ce3d0b29e78d9e60066d26c259e86ea.jpg
Cam đang héo vì thiếu nước.

Âu lo vì thiếu nước

Cuộc trò chuyện giữa tôi và thôn trưởng Tâm khá dài, chủ yếu đề cập về vấn đề nước. Với nước sản xuất ở thôn bắt đầu “đứt” hoàn toàn vào tháng 2 kéo dài cho đến mùa mưa cuối năm. Theo thiên văn địa lý, mùa mưa ở Bình Thuận bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 rồi chuyển sang mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nói là mùa mưa chứ trên thực tế lượng mưa ở đây rất ít, nhất là những năm gần đây tác động nhiều từ biến đổi khí hậu.

Trong thời gian “đứt” nguồn nước, có những giếng khoan sâu gần 100 m cũng không có nước, giếng nào may mắn còn nước thì nhiễm vôi, nhiễm phèn. Những con sông, suối gần đây cũng trơ đáy, nên người dân bỏ vườn mặc, đợi đến mùa mưa chăm sóc lại.

Ông Hồ Công Thành, người dân trong thôn, ở bên cạnh sông Giêng nói trong tâm trạng không vui khi nhìn vườn cây ăn trái nhà mình rộng 5 ha, có những cây đang héo: “Nước sông Giêng nhiễm vôi, phèn, mùa mưa còn có nước, mùa khô luôn trong tình trạng cạn khô. Chỗ nào còn sót lại những “mạch nước” cuối cùng, người dân tận dụng bơm lên sinh hoạt hoặc tưới cầm cự vườn cây”.

Đó là những hộ sống dọc bên sông, còn những hộ khác sống xa sông, xa suối thì bỏ mặc vườn cây, lo nước cứu mình trước đã. Giá mỗi khối nước nhiễm vôi, phèn 70.000 đồng, tùy đoạn đường xa, gần, nghĩa là hộ nào ở xa thì giá cao hơn. Giá này là cố định ai mua thì mua còn không thì thôi, vì cả thôn chỉ có một giếng nước nhà ông Bảy Rớt có nhiều nước. Những năm trước đây ông cho người ta lấy nước sử dụng thoải mái, nhưng sau này gia đình ông quản lý và bơm bán nước cho những ai cần.

Ông Rớt, người đang chở nước bán cho một hộ trong thôn xây nhà nói: Hiện ngày nào cũng có người gọi chở nước, có ngày người gọi chở không kịp, nhưng cũng có ngày không ai gọi vì người dân ở đây toàn là lao động nghèo nên họ sử dụng nước rất tiết kiệm.

Ngoài mua nước sinh hoạt, người dân trong thôn còn phải mua nước bình hoặc nước sạch về nấu ăn, uống, mỗi bình từ hơn 10.000 – 20.000 đồng/bình. Chính vì vậy đã “đội” chi phí sinh hoạt gia đình lên cao, trong khi làm ra tiền thì khó khiến cuộc sống của họ luôn trong tâm trạng bí bách, âu lo.

img_8871.jpg
img_8861.jpg
20240315_153800.jpg
Người dân mua nước về xây nhà

Trông mong dự án

Rời những điểm đến, tôi đi tiếp trên những con đường đầy nắng giữa thôn. Hai bên đường thấy cây trái “ủ rũ” vì thiếu nước, nhiều cây rụng trái xanh non, tôi cảm được nỗi buồn thiếu nước của người dân khi không chỉ Suối Sâu mà còn cả một vùng chịu khát. Thấy cả nỗi buồn của người dân trông chờ lời hứa của ngành chức năng khi họ kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Đây cũng là điều được nhắc đến nhiều lần trong cuộc trao đổi vấn đề bức bách của trưởng thôn Minh Tâm với tôi. “Lần nào có cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng kiến nghị vấn đề nước. Cách đây 10 năm, có thông tin triển khai Dự án kênh tiếp nước từ Biển Lạc (Tánh Linh, Đức Linh) qua Suối Sâu, xã Suối Kiết về huyện Hàm Tân, người dân rất mừng, nhưng đến nay chưa thấy dự án triển khai, người dân vẫn ngóng chờ”.

z5259352103739_dd814e1393604a6077f86242689291dd.jpg
z5259352089352_4e1117e4e015d77cf5a94e262bfe74b5.jpg

Đem những trông mong, chờ đợi ấy của người dân tôi liên hệ các cơ quan liên quan của huyện, tỉnh bao gồm Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Chi cục Thủy lợi… với mong muốn có thông tin chính xác về dự án góp phần cho người dân vui. Nhưng tất cả chưa có câu trả lời đầy đủ về dự án khi nào triển khai, có khả năng không khả thi vì quá tốn kém. Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, hiện nay UBND tỉnh cũng như các sở, ngành có liên quan đang nỗ lực góp ý, hoàn thiện đề xuất Dự án Nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh, sử dụng vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) theo tinh thần Công văn 1962 của Chính phủ. Đây cũng là tin vui làm dịu nỗi lòng thiếu nước không chỉ cho người dân Suối Sâu mà cả vùng khát lân cận nói chung trên địa bàn phía nam tỉnh.

Ghi chép của Ninh Chinh