Nghệ sĩ ưu tú Thái Phụ - cả một đời cống hiến cho nghệ thuật sân khấu
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:02, 19/04/2024
Một diễn viên tài năng
Với điểm xuất phát là diễn viên, nghệ sĩ Thái Phụ luôn tâm huyết với nghề, miệt mài học hỏi, lao động, sáng tạo để hóa thân vào các vai diễn một cách tốt nhất. Thời tuổi trẻ, trong những năm chiến tranh, ông đã cùng với Đội văn nghệ xung kích “Tiếng hát át tiếng bom” biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở những địa bàn thường xuyên bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Đó chính là giới tuyến Vĩnh Linh, Quảng Bình, Đường 7, Nam Lào, Nghệ An, Hà Tĩnh, đến Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Về nghệ thuật diễn xuất, ở bất cứ vai diễn nào, dù là chính diện hay phản diện, ông đều khắc họa được những cá tính riêng biệt, độc đáo, không có sự lặp lại giữa các nhân vật. Vì vậy mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, ông đều gây được sự chú ý đối với người xem; được khán giả cả nước ngưỡng mộ và đồng nghiệp đánh giá là một trong số ít diễn viên tài năng của sân khấu Dân ca kịch Bài chòi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghệ sĩ Thái Phụ được phân công về xây dựng Đoàn Dân ca kịch Hải Âu Thuận Hải (cùng với NSND Lệ Thi); sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Đoàn Dân ca kịch Hải Âu.
Năm 1987, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, tỉnh Thuận Hải thành lập Đoàn Cải lương Nhạn Trắng, ông được điều động giữ chức vụ Trưởng đoàn. Tháng 4/1992, tỉnh Bình Thuận được tái lập, ông vẫn tiếp tục gắn bó với nghệ thuật sân khấu. Năm 1994, thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa Thông tin, lãnh đạo tỉnh quyết định sáp nhập 3 Đoàn văn công chuyên nghiệp của tỉnh (gồm: Đoàn Ca múa nhạc, Đoàn Cải lương Nhạn Trắng, Đoàn Dân ca kịch Hải Âu) thành Đoàn Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận. Với bề dày kinh nghiệm và uy tín trong công tác quản lý hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Thái Phụ được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Ca múa nhạc Biển Xanh. Ở cương vị mới, ông đã kịp thời đề xuất và triển khai tuyển chọn 2 lớp diễn viên trẻ về ca và múa là con em ở các địa phương trong tỉnh về bồi dưỡng tại chỗ, và gởi những hạt nhân triển vọng đi đào tạo chính quy. Không chỉ chú trọng về mặt chuyên môn, ông còn quan tâm bổ sung ngoại ngữ cho diễn viên, mặc dù chỉ là trình độ vỡ lòng nhưng chứng tỏ ở ông một tầm nhìn xa rất đáng trân trọng. Đây chính là nguồn lực chủ chốt để đoàn đứng vững và đạt nhiều kết quả trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật; đồng thời là một trong những cơ sở vững vàng để những người kế nhiệm nâng cấp đơn vị từ đoàn lên Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh vào những năm sau này.
Thành công với vai diễn Bác Hồ
Với vai trò lãnh đạo, nghệ sĩ Thái Phụ luôn thể hiện rõ nét trình độ quản lý sâu sát và sự am hiểu nghệ thuật sâu sắc; luôn tư duy, sáng tạo để xây dựng những chương trình, kịch mục phù hợp với nhu cầu và thị hiếu lành mạnh của đại đa số công chúng. Đặc biệt, ông là một trong số ít diễn viên được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đồng ý cho thể hiện hình tượng Bác Hồ và ông đã thể hiện thành công vai diễn Bác Hồ trong ca múa cảnh “Giấc mơ gặp Bác”. Vở diễn đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao của các cấp lãnh đạo và công chúng; đạt nhiều giải thưởng, huy chương qua các kỳ hội thi, hội diễn, nhất là liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” diễn ra ở Nghệ An quê Bác.
Hơn 62 năm gắn bó với nghệ thuật, ông đã kinh qua nhiều chức vụ chủ chốt như: Phó Trưởng đoàn Dân ca kịch Hải Âu Thuận Hải; Trưởng đoàn - Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Cải lương Nhạn Trắng Thuận Hải; Trưởng đoàn - Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận; Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ở cương vị, môi trường công tác nào, nghệ sĩ Thái Phụ cũng toàn tâm toàn ý, dốc lòng tận hiến cho văn hóa nghệ thuật và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ ngày nghỉ hưu đến nay, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng nghệ sĩ Thái Phụ vẫn tiếp tục sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực như: Sáng tác kịch bản, đạo diễn, giảng dạy nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Với cá nhân tôi, những kỷ niệm khó quên nhất là khi tham gia Ban Giám khảo các hội diễn, hội thi cùng với nghệ sĩ Thái Phụ. Trong môi trường này, ông luôn gần gũi, chân tình, chia sẻ về mặt chuyên môn một cách cặn kẽ, thấu đáo. Khi thẩm định, đánh giá các tiểu phẩm sân khấu, bao giờ ông cũng chăm chút, trân trọng những tìm tòi của lực lượng sáng tác không chuyên và luôn tìm thấy ở đó những ý tưởng mới, gợi mở cho sáng tác của mình. Ông đã đạt nhiều giải thưởng về kịch bản, đạo diễn, trong đó có Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Dục Thanh do UBND tỉnh xét tặng 5 năm một lần; đồng thời đã xuất bản nhiều tập kịch ngắn kịp thời cung cấp tiết mục sân khấu cho phong trào văn nghệ ở cơ sở.
Vừa qua, nghệ sĩ Thái Phụ đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú theo Quyết định số 1432/QĐ-CTN ngày 28/11/2023. Đồng nghiệp ở Bình Thuận và các tỉnh bạn đều chúc mừng ông khi nhận được tin vui này. Đối với tôi, nghệ sĩ Thái Phụ là một trong số không nhiều lắm, những nghệ sĩ gắn bó với Bình Thuận đã chọn “thánh đường sân khấu” để cả đời dốc lòng cống hiến cho nghệ thuật.
Quá trình cống hiến, ông đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh. Trên lĩnh vực diễn xuất, ông đã đạt Huy chương vàng vai ông Năm Sanh trong vở ca kịch Bông trắng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980 ở Hà Nội; Huy chương vàng Chỉ đạo nghệ thuật hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1994 tại Đà Nẵng…