Hồ Anh Thái với “Họ trở thành nhân vật của tôi”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:06, 19/04/2024
Những nhân vật được tác giả đưa vào những trang viết của mình là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, người làm sân khấu, làm điện ảnh, những dịch giả, những người thầy nghiên cứu về Phật giáo, những người làm sách, và có cả người làm ngoại giao, cùng trên 10 nhân vật là người nước ngoài.
Nhà văn Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn nổi tiếng, ông cũng là người làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp. Ông có trình độ Tiến sĩ Văn hóa Phương Đông, từng được thỉnh giảng tại Đại học Washington và một số đại học nước ngoài. Ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 2000 đến 2010. 50 cuốn sách của nhà văn Hồ Anh Thái đã được xuất bản thuộc nhiều thể loại, sách được dịch ra hơn 10 thứ tiếng.
Đọc “Họ trở thành nhân vật của tôi” của nhà văn Hồ Anh Thái, bạn đọc sẽ nhận ra: hầu hết những nhân vật được đề cập trong tập sách là những người ông đã từng quen biết, gặp gỡ, trò chuyện, cùng làm việc, bạn văn chương. Mỗi bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái về một nhân vật, thường là những lời kể về nhân vật ấy, gắn vào đó một cách phù hợp, uyển chuyển là tên, phần trích những sáng tác, những tác phẩm tiêu biểu, nêu bật những nét riêng, có khi là thành quả nổi trội trong cuộc đời hoạt động của nhân vật.
Có những nhân vật, tác giả viết với lòng quý trọng đặc biệt: “Từ những lời của Mahatma”, viết về nhà ngoại giao Vũ Xuân Áng; “Bác Tô Hoài – thản nhiên như nước”, viết về nhà văn Tô Hoài…
Viết về những chân dung nhân vật, Hồ Anh Thái có lối hành văn linh hoạt, gần như sát với cá tính người ấy ở ngoài đời. Đọc bài: “Nguyễn Thị Minh Thái – Tung tăng như cá tươi”, độc giả hình dung một giảng viên đại học thích nói, thích lên giảng đường, thích xuất hiện trước đám đông, thích lên các chương trình truyền hình, đối đáp chan chát với người đối diện trong những tình huống gay cấn.
Đọc “Xuân Phượng – Thiếu nữ 93”: không chịu đánh mất hình ảnh”, bạn đọc dễ nhận ra: Một cụ bà một đời hoạt động phong phú với rất nhiều công việc khác nhau, trong đó có thời gian làm phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu, và sau này là chủ một phòng tranh, đã 93 tuổi vẫn được lớp thế hệ sau nhìn nhận là “Các thế hệ trẻ tiếp xúc với cô để mà được cười vui với những chuyện hài hước trẻ trung, để được tiếp thêm năng lượng tích cực”.
Đặt tựa cho những bài viết trong tập sách, nhà văn Hồ Anh Thái cũng dễ tạo sự đọng lại những điều đáng nhớ về nhân vật trong lòng độc giả.
Thong thả mở từng trang sách của “Họ trở thành nhân vật của tôi”, độc giả sẽ thấy được sự thâm trầm của Hồ Anh Thái khi nhìn về những nhân vật trong các bài viết của ông. Nhà văn như thủ thỉ, tâm tình với bạn đọc những điều ông cảm nhận về nhân vật đúng với những gì nhân vật ấy biểu hiện ngoài đời, cùng những điều đẹp đẽ mà tác phẩm của họ hoặc hoạt động của họ mang lại cho cuộc đời.
Trong bài viết “Bác Tô Hoài – Thản nhiên như nước”, Hồ Anh Thái đã viết về tấm gương của nhà văn Tô Hoài trong lao động: “Tô Hoài quan niệm, gốc rễ của nghề văn là ngôn ngữ… Viết tự truyện, hồi ký, bút ký, những hồi ức kiểu chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài chủ ý chỉ viết những điều mình thấy mình biết, không viết những gì mình chỉ nghe người khác kể lại… Văn chỉ viết những gì mình biết nên cái hiểu cũng là hiểu những gì thiết thực rõ ràng…Tô Hoài có lẽ cũng là một tấm gương sống nhiều sống thọ. Cứ sống bình thản trước mọi sự, không giận dữ, không dồn sức, không tự gây khó cho mình bằng những cố lên cố lên…”.
Với Tô Hoài là thế. Còn với Đoàn Giỏi, nhà văn Hồ Anh Thái đã viết trong bài: “Đoàn Giỏi – Còn mãi với đất rừng phương Nam”: “Những thế hệ sinh trong khoảng 1950 đến 1980 ở phía Bắc không mấy ai chưa đọc ít nhất một lần “Đất rừng phương Nam”. Cuốn sách từng cho các cô bé cậu bé, các chàng trai cô gái thế hệ chống Mỹ một ấn tượng đẹp về vùng đất phương Nam mà họ đang khắc khoải thương nhớ, đang đổ mồ hôi và đổ máu để cho đất nước nối liền một dải, để được đến tận nơi, được thấy cảnh người Nam bộ ruột rà”; “Nhiều người viết hay về Nam bộ, nhưng Đoàn Giỏi có một giọng riêng…”.
Khác với cách viết về hai nhà văn thế hệ tiền bối, Hồ Anh Thái khi viết về PGS Tiến sĩ, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái, thuộc thế hệ bạn bè, Hồ Anh Thái đã sử dụng cách diễn đạt khác hẳn, một cách diễn tả có lẽ thật hợp với phong cách sống, lời ăn tiếng nói của Nguyễn Thị Minh Thái ngoài đời: “Nói thẳng nói vỗ nói phũ, hết được cái ý mình muốn thì đi xuống diễn đàn như không”.
Với một nhân vật khác, nhà ngoại giao Vũ Xuân Áng, có giai đoạn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, thời gian ấy, Hồ Anh Thái, một cán bộ ngành ngoại giao, được học bổng du học Ấn Độ. Sau thời gian học, được đại sứ nhận vào sứ quán, làm thư ký đại sứ. Hồ Anh Thái đã viết về nhà ngoại giao Vũ Xuân Áng trong bài: “Từ những lời của Mahatma”: “Ông dạy tôi bằng tấm gương hiếu học của một vị đại sứ tuổi ngoài sáu mươi. Ông là thầy tôi qua những bài học trực nghiệm trong hoạt động ngoại giao, tôi học qua quan sát, qua thực chứng mà thu thập kinh nghiệm. Ông là thầy tôi trong cách xử thế ở những tình huống hiểm nghèo… Tôi có nhiều người thầy. Và ông đích thực là thầy tôi, nhà ngoại giao Vũ Xuân Áng”.
Đặc biệt, trong “Họ trở thành nhân vật của tôi”, Hồ Anh Thái đã dành 8 trang cho bài viết về một nhà văn người Bình Thuận: “Nguyễn Ngọc Thuần – Thế giới Hoàng tử Bé”. Bài viết đã được tác giả chắp bút từ năm 2002, và đến năm 2023, nhà văn đã đọc lại.
Nhà văn Hồ Anh Thái đã mở đầu bài viết bằng cách giới thiệu nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần với các giải thưởng về văn chương: “Nguyễn Ngọc Thuần ba lần liên tiếp đoạt giải thưởng viết cho thanh thiếu nhi. Năm 2000, giải ba với tập truyện ngắn “Giăng giăng tơ nhện”; Năm 2002, giải A với “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”; Năm 2003, giải A với “Một thiên nằm mộng”. Người viết bài còn được biết rằng năm 2004, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần còn nhận được giải nhất cho tác phẩm “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ” (Nhà xuất bản Thanh Niên và Báo Văn Nghệ tổ chức).
Hồ Anh Thái đã viết về sự cảm nhận của mình khi đọc tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”: “Văn phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ao ước tuổi thơ mình. Đúng giọng đúng kiểu trẻ con, không phải giả vờ ngọng nghịu như phần lớn người viết truyện thiếu nhi dễ mắc... Sau khi đã tạo dựng được một thế giới trẻ con đáng tin cậy, tác giả khéo lồng vào đó chất lãng mạn khiến những ai từng là trẻ con đều phải bâng khuâng”. Năm 2008, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” tiếp tục đoạt giải Peter Pan của Câu lạc bộ Sách Thiếu nhi Thụy Điển. Đọc “Nguyễn Ngọc Thuần – Thế giới Hoàng tử Bé” của nhà văn Hồ Anh Thái, độc giả dễ thấy lòng dâng lên những niềm vui. Bởi, người Bình Thuận đã có không ít người tài năng, nổi tiếng cả nước về nhiều lĩnh vực. Và hy vọng thời gian tới sẽ còn có những thành tựu lớn của những cá nhân nổi trội. Cùng nhiều bài viết về những nhân vật khác trong tập sách.
Tập sách “Họ trở thành nhân vật của tôi” của nhà văn Hồ Anh Thái đem lại nhiều điều bổ ích cho độc giả. Một lượng thông tin rất dồi dào được tác giả tập sách cung cấp cho bạn đọc về những con người ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà văn đã dẫn dắt độc giả theo những hiểu biết, cảm nhận cùng đây đó những băn khoăn của mình về chuyện người, chuyện đời. Mong nhà văn sẽ còn tiếp tục cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm mới của mình trong thời gian tới.