Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khu vực nông thôn
Xã hội - Ngày đăng : 05:09, 24/04/2024
Xác định nguyên nhân
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có 12.517 hộ/42.277 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Số hộ dân và số nhân khẩu có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới là 20.599 hộ/57.266 nhân khẩu. Vậy nguyên nhân chính xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt do đâu? Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, đến năm 2024 khu vực nông thôn toàn tỉnh có 66 công trình cấp nước (CTCN) do các đơn vị quản lý. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 8 xã tương ứng với 79.066 hộ gia đình (khoảng 303.661 người)/197.662 hộ gia đình, chiếm 40% dân số nông thôn của toàn tỉnh chưa được đầu tư công trình cấp nước. Người dân sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa. Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt trên sông, suối để hoạt động sản xuất nước sạch như Hàm Đức, Hàm Phú; Long Hải, Ngũ Phụng; Đức Bình.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, do vậy mực nước ngầm hạ thấp. Cùng với đó, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên. Đây là nguyên nhân chính gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại khu vực nông thôn thời gian qua.
Còn theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận, các nhà máy nước do đơn vị quản lý có nguy cơ thiếu nước thô trong thời gian tới do các sông suối cạn kiệt nước. Đơn cử tại địa bàn Tánh Linh, nguồn nước tại suối Đôi đã cạn kiệt. Trung tâm đã nạo vét lòng suối tại vị trí lấy nước để tận dụng nguồn nước nhĩ, cấp nước cho nhà máy nước (NMN) Đức Phú hoạt động, nhưng cũng không đủ đáp ứng. Ngoài ra, nguồn nước thô của hồ Lâm trường Sông Dinh sắp cạn kiệt, ước tính lượng nước thô còn lại trong hồ chỉ đủ sử dụng để xử lý cung cấp nước đến hết tháng 5/2024. Cùng thời điểm này, tại NMN Lạc Tánh, nguồn nước thô từ Thác Bà bị suy giảm rất nhiều, không đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho NMN hoạt động, ngưng cấp nước 2 giờ/ngày. Dự kiến đến tháng 5/2024 nếu không có mưa bổ sung thì khả năng từ đầu tháng 6 NMN sẽ tạm ngưng cung cấp nước…
Nỗ lực các giải pháp khắc phục
Trước sự thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, thời gian qua Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi để điều phối nguồn nước, trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt đáp ứng nhu cầu đăng ký sử dụng của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan khai thác tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối, trữ vào ao, bể chứa nước thô tại công trình. Sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, giếng đào cấp nước thô cho các CTCN nhằm duy trì hoạt động sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Vận hành khai thác tối đa công suất thiết kế của các NMN phục vụ chống hạn, thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, nhân dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tận dụng các nguồn nước tại chỗ phục vụ cho các mục đích khác. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tại địa phương chủ động, linh hoạt trong việc tích trữ nước ngọt phục vụ cho mục đích sinh hoạt như đào ao, đào giếng, khoan giếng, mua bồn trữ nước. Các khu vực có nguồn nước dồi dào, vận động người dân chia sẻ nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt khu vực lân cận...
Để giải quyết khó khăn trước mắt về tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt của nhân dân, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tận dụng các bồn chứa nước đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua ở những năm trước đây đặt tại các điểm công cộng, khu vực tập trung dân cư bị thiếu nước sinh hoạt và thực hiện vận chuyển nước sạch hợp vệ sinh tiếp vào bồn chứa cung cấp cho người dân. Tiếp tục rà soát, xác định các khu vực đã xảy ra, có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới để xây dựng giải pháp, kinh phí chi thực hiện việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân như kéo dài đường ống cấp nước sạch, mua thiết bị trữ nước hỗ trợ cho người dân, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt…