Làm gì để không bị lừa chuyển tiền qua mạng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:03, 25/04/2024

Đã có nhiều người ở các tỉnh, thành bị lừa chuyển tiền bằng nhiều hình thức khác nhau trên không gian mạng, người ít thì vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, nhiều thì vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Vậy, làm gì để không bị lừa chuyển tiền qua mạng?

Mất tiền tỷ nhưng… không biết

Liên tục những ngày qua các tờ báo đưa tin ngân hàng T. và V. đang bị khách hàng khiếu nại về việc tiền trong tài khoản bị mất 5 tỷ đồng và hơn 26 tỷ đồng. Vụ việc đang được giải quyết nhưng nhiều lỗ hổng cả 2 phía ngân hàng và khách bộc lộ những thiếu sót mà không được cảnh báo trước. Với khách hàng tài khoản “bỗng dưng” bị mất hơn 26 tỷ đồng thì sơ suất khi nghe cuộc điện thoại tự xưng là công an hướng dẫn làm căn cước công dân định danh rồi tải đường link về, sau đó tài khoản hơn 26 tỷ đồng bị mất dù không có thao tác chuyển tiền. Trường hợp này được xác định là do trong đường link khách hàng tải về có mã độc nên kẻ lừa đảo đã lấy được hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng điện thoại, cụ thể hơn là kẻ xấu đã chiếm đoạt quyền kiểm soát của chủ nhân điện thoại kể cả mật khẩu, mã OTP trong sử dụng internet banking. Do vậy kẻ xấu tự vận hành chuyển tiền mà chủ tài khoản không hề hay biết. Do không đăng ký tin nhắn biến động số dư, mặt khác tin nhắn trên hệ thống internet banking đôi khi về chậm nên khi phát hiện mất tiền trong tài khoản thì… đã quá muộn. Ở khách hàng bị lừa 5 tỷ đồng cũng xảy ra trường hợp tương tự như trường hợp khách hàng bị mất hơn 26 tỷ đồng…

zalo-40-.jpg
khen thưởng cho nhân viên ngân hàng và công an đã ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo 1,808 tỷ đồng.

Đầu tháng 4, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng xảy ra vụ việc lừa đảo tiền tỷ qua điện thoại nhưng may mắn là nhân viên Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hàm Mỹ đã phối hợp với Công an xã Hàm Mỹ ngăn chặn kịp thời. Vụ việc là bà Đ. có tài khoản gửi tiết kiệm ở xã Hàm Mỹ 1,808 tỷ đồng. Qua nhiều cuộc điện thoại kẻ xấu tự xưng là công an, viện kiểm soát, tòa án hù dọa bà Đ. là dính vào đường dây tội phạm, bà Đ. phải chuyển tiền để công an quản lý, sau khi kết thúc vụ án thì sẽ trả lại. Nếu không chuyển tiền sẽ bắt giam bà Đ. ngay lập tức và niêm phong hết tài khoản, nhà cửa đất đai…Nghe nhóm lừa đảo hù dọa, bà Đ. quá sợ hãi liền làm theo yêu cầu đi chuyển tiền cho bọn xấu. Trong diễn biến vụ việc, có một chuyện quan trọng mà phóng viên tìm hiểu thì được biết, dù bà Đ. đang sống với gia đình con trai ruột nhưng khi có sự việc xảy ra bà Đ. không nói cho con trai biết. Mặt khác khi nhờ con trai chở ra ngân hàng để chuyển tiền cho nhóm lừa đảo bà Đ. lại nói dối với con trai là ngân hàng mời ra làm việc. Vì vậy, khi chở bà Đ. đến ngân hàng, người con trai chỉ ngồi ngoài hành lang chờ mẹ. Phía trong ngân hàng, bà Đ. vừa hối thúc nhân viên ngân hàng chuyển tiền cho con trai nhưng vừa run rẩy sợ sệt “dạ, thưa” khi nghe nhiều cuộc điện thoại hăm dọa và hối thúc chuyển tiền. Nhận thấy điều bất thường, giao dịch viên đã báo cáo vụ việc cho lãnh đạo phối hợp với công an ngăn chặn vụ việc. Tình tiết oái oăm là sau khi truy vấn qua định danh căn cước công dân, công an gọi cho con trai bà Đ. (do bà Đ. nói dối đi bộ ra ngân hàng, làm mất thời gian công an phải truy tìm) thì người con trai lại… chất vấn công an và cán bộ ngân hàng với những lời khó nghe do lầm tưởng mẹ mình đi giao dịch ngân hàng bình thường làm gì phải dính líu tới công an. Khi nghe ngân hàng và công an giải thích hiểu ra ngọn ngành, 2 mẹ con bà Đ. “xanh mặt” xém mất 1,808 tỷ đồng là khoản tiền dành dụm cả đời để dưỡng già. Mẹ con bà Đ. đã xin lỗi đồng thời cảm ơn cán bộ ngân hàng và công an…

Để không bị lừa…

Đó là 3 trong hàng loạt câu chuyện kẻ xấu lừa đảo qua mạng với nhiều hình thức khác nhau. Người thì bị lừa qua các cuộc gọi, người thì cung cấp mật khẩu tài khoản, mã OTP, người thì tải đường link để làm việc riêng dẫn đến bị lừa mất tiền. Để tránh bị lừa, các ngành như công an, truyền thông đã cảnh báo cho người dân các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Có nhiều cách để tránh lừa đảo như hạn chế nghe các cuộc điện thoại lạ, bởi hầu hết các cuộc điện thoại chính chủ được đăng ký tên tuổi sẽ xuất hiện kèm zalo tên người gọi, còn điện thoại lừa đảo sẽ không có, khi thấy tên zalo cần thiết thì gọi lại nếu thấy dấu hiệu chào mời mua hàng hóa, đất đai nếu không có nhu cầu thì nên kết thúc cuộc gọi trước 20 giây nhằm tránh tình trạng bọn xấu có đủ thời gian xâm nhập lấy thông tin từ điện thoại. Không nên nghe lời người lạ tải các đường link khi không hiểu chuyên sâu về internet, nhất là hiện nay bọn lừa đảo hay mượn các trang có tên miền về thuế, bảo hiểm, dịch vụ công… do nhu cầu tăng cao của người dân cần thủ tục hành chính nhanh gọn. Theo Bộ Công an, thường các đường link lừa đảo hay có đuôi sau là “.apk” như “dichvucong.apk”. Khi đã lỡ vào đường link giữa chừng cần thao tác nhanh là tắt điện thoại, tắt 4G, nếu ở nhà thì ngắt luôn wifi, đồng thời lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản tạm thời. Khi xử lý các thao tác trên xong, cần phải tiến hành cài đặt lại điện thoại, sử dụng công nghệ để dò tìm các phần mềm độc hại để loại bỏ.

Với nhiều trường hợp có cuộc điện thoại tự xưng danh là nhân viên ngân hàng cần cung cấp mã OTP để hỗ trợ khách hàng thì người dùng điện thoại tuyệt đối không được cung cấp mã OTP cho bất cứ người lạ nào, bởi đây là nhóm lừa đảo. Ngoại trừ khi đến làm việc lại trụ sở ngân hàng, cần sự hỗ trợ sẽ có nhân viên ngân hàng tại quầy giúp đỡ. Với những người có số dư trong tài khoản lớn, trị giá tiền tỷ, các chuyên gia khuyến cáo nên dùng chuyên biệt chiếc điện thoại ấy phục vụ duy nhất cho việc giao dịch ngân hàng, như vậy tính bảo mật sẽ cao hơn và không bị mất tiền oan…

Nhị Thiên