Suy nghĩ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Chính trị - Ngày đăng : 16:11, 17/01/2019
Nêu gương là một truyền thống cao đẹp của Đảng ta, có từ khi Đảng ta mới thành lập. Thế hệ cộng sản đầu tiên, những lãnh tụ tiền bối của Đảng như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai… đã nêu tấm gương sáng ngời của người Cộng sản Việt Nam, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời luôn nhắc lại lời mà Bác Hồ đã căn dặn ông: Làm tướng phải luôn “di công vi thượng”. Những nhà yêu nước, những người cộng sản trong buổi đầu lập quốc đa phần vẫn luôn giữ được phẩm chất trong sáng và luôn là hình mẫu tiêu biểu để mọi người noi theo, ngay cả khi họ đứng trên đỉnh cao quyền lực.
Bất kỳ ai, trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng thì phải đứng dưới cờ Đảng đọc những lời thề danh dự, nguyện tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành đầy đủ Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với mỗi người đảng viên, kể từ lời thề khi vào Đảng đến các quy định của Đảng, đều có những nội dung quy định về gương mẫu. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, trong triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên phải được đặt lên hàng đầu.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí đề cao trách nhiệm nêu gương thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”.Có lẽ khái quát nêu trên của người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã quá đầy đủ. Sinh thời Bác Hồ dạy rằng: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đó chính là khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, của những người đi trước, mở đường.Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn đồng bào nghe theo, thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước, chứ nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít thì làm sao thuyết phục được quần chúng.
Thực ra không phải tới hội nghị này, mà trong rất nhiều các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã có những quy định cụ thể về việc gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, như Chỉ thị 06-CT/TW và sau này là Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 07/6/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên… vàtiếp nối việc thực hiện các nghị quyết của Đảng gần đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, quy định này là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ đó là Quy định 08-QĐi/TW đã chỉ rõ đối tượng nêu gương là toàn bộ cán bộ, đảng viên nhưng trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng.
Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) kết hợp với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã xuất hiện hàng triệu tấm gương cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, từ đồng chí Tổng Bí thư cho đến các đảng viên ở cơ sở. Đây là kết quả đáng tự hào mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đem lại; là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ và tạo ra những thành quả cách mạng to lớn về mọi mặt của đất nước.Chỉ trên cơ sở sự nêu gương và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu mỗi cấp độ tổ chức quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước, với giá trị nhân văn - vì nước, vì dân của mỗi quyết sách của chủ thể lãnh đạo, quản lý mới đủ để thấm sâu và lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, trở thành bệ đỡ tinh thần, bảo đảm cho sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa Đảng với dân - động lực lớn lao để đất nước ta vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển.
Dụng Văn Duy