Thuốc lá điện tử tác hại giới trẻ
Đời sống - Ngày đăng : 05:40, 26/04/2024
Nhanh nghiện, nhanh ngộ độc
Với từ khóa “mua thuốc lá điện tử - vape” trên google, kết quả chạy hàng loạt kèm theo lời quảng cáo quyến rũ “hàng chính hãng, giá rẻ”, “sành điệu”, “không có hại như thuốc lá truyền thống”... Sản phẩm có nhiều hương thơm của các loại thực phẩm, bánh kẹo, trái cây, tinh dầu… dễ mua, giao tận nơi. Từ lời giới thiệu, quảng cáo như thế làm cho không ít giới trẻ gồm học sinh, sinh viên, trẻ vị thành niên, kể cả người lớn tò mò và thử hút loại thuốc lá điện tử.
Tại một hội nghị phòng chống tác hại thuốc lá, các chuyên gia nhận định: Mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành ở Việt Nam đã giảm xuống còn gần 39%, nhưng lại có sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở phụ nữ, ở giới trẻ. Nạn hút thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới là một trong những mối đe dọa lớn mà cộng đồng thế giới phải đối mặt. Một mối lo ngại, một thực tế đáng báo động về tình trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào giới trẻ. Bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử có nguy cơ cao tiềm ẩn, phát sinh các tệ nạn xã hội; lợi dụng hương liệu, tinh dầu, hóa chất phối trộn ma túy, chất gây nghiện.
Các kênh truyền thông chính thống đăng tải nhiều tin, bài về tình trạng học sinh, thanh thiếu niên bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử. Kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính Adb-Butinaca (1 loại ma túy tổng hợp mới), thành phần trong thuốc lá điện tử có một số chất gây nghiện ở dạng hóa chất tổng hợp. Điều này làm cho người hút nhanh nghiện, nhanh ngộ độc thậm chí dẫn đến tử vong.
Chung tay với nhiều giải pháp
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh. Theo quan điểm, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030. Cụ thể, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%, nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4% giai đoạn 2023 - 2025; nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1% giai đoạn 2026 - 2030; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá ở nơi làm việc xuống, nhà hàng, quán bar, khách sạn. Đồng thời, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Để nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên, giới trẻ về tác hại thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới… các ngành, các cấp quyết liệt vào cuộc với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thêm vào đó, các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng nhóm người theo độ tuổi. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá cho giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục phù hợp với các cấp học, bậc học.