Biến đổi khí hậu khiến nhiều người mắc các bệnh liên quan đến muỗi
Quốc tế - Ngày đăng : 08:54, 28/04/2024
Biến đổi khí hậu đang khiến nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết, sốt rét. Phạm vi địa lý của các bệnh này đã lây lan nhanh chóng trên nhiều vùng, lãnh thổ trong 80 năm qua, khiến hơn một nửa dân số thế giới gặp nguy hiểm.
Giới chuyên gia cảnh báo, đây là hậu quả của sự nóng lên toàn cầu và đô thị hóa gia tăng, các ca bệnh sẽ xuất hiện khắp các khu vực của Bắc Âu, Á, Bắc Mỹ và Úc trong vài thập kỷ tới. Điều này sẽ có thêm 4,7 tỷ người gặp nguy hiểm nếu khí thải và tăng trưởng dân số tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay.
Cảnh báo được chia sẻ tại hội nghị toàn cầu năm nay của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm Châu Âu (ECCMID) sau bài viết của tờ The National đưa tin tháng qua: số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, với nhiều nước Ả Rập đang trải qua sự gia tăng ca mắc trong những tháng gần đây.
Nhiều bệnh viện ở Dubai cho biết, mặc dù số bệnh nhân mắc căn bệnh này tại bệnh viện thì ở mức thấp, nhưng nhiều trường hợp khác đã được báo cáo cho cơ quan y tế những tháng gần đây.
Giáo sư Rachel Lowe - Viện nghiên cứu Tây Ban Nha cho biết sẽ có nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến muỗi do nhiệt độ ấm lên toàn cầu. Sự ấm lên này là do biến đổi khí hậu có nghĩa các bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có thể phát hiện ở nhiều khu vực hơn, với các đợt bùng phát xảy ra mà hệ thống y tế công cộng ở đó chưa được chuẩn bị.
Thực tế cho thấy mùa nóng kéo dài hơn sẽ là cơ hội cho sự lây lan của bệnh và tạo điều kiện cho các đợt bùng phát ngày càng thường xuyên và phức tạp hơn”, bà Rachel Lowe nói thêm
Trường hợp sốt xuất huyết phần lớn giới hạn ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới vì nhiệt độ lạnh hơn sẽ giết chết ấu trùng và trứng muỗi. Nhưng, mùa nóng kéo dài hơn khiến bệnh sốt xuất huyết trở thành căn bệnh lây nhiễm nhanh nhất thế giới.
Việc lây lan nhanh chóng này bắt đầu từ năm 2000, xâm nhập 13 quốc gia châu Âu, với sự lây lan cục bộ của căn bệnh này ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha vào năm 2023.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo đã tăng gấp 8 lần trong 2 thập kỷ qua, từ 500.000 ca năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019.
Giáo sư Lowe cho biết: “Hạn hán và lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự lây truyền vi rút nhiều hơn, với lượng nước dự trữ sẽ tạo thêm nơi sinh sản cho muỗi. Bài học từ các đợt bùng phát trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro bệnh truyền nhiễm qua muỗi trong tương lai và chuẩn bị các phương án dự phòng cho các đợt bùng phát”.
Các chuyên gia cho biết, nếu sự nóng lên toàn cầu giới hạn ở mức 1 độ C, dân số có nguy cơ mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có thể tăng thêm 2,4 tỉ người vào năm 2100, so với giai đoạn 1970-1999. Nếu lượng khí thải carbon cao và tăng trưởng dân số tiếp tục thì con số 4,7 tỷ người có thể tăng gần gấp đôi vào cuối thế kỷ này.
Kinh nghiệm cho thấy bệnh lây nhiễm thường bùng phát sau El Nino và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác như lũ lụt, hạn hán kéo dài, lốc xoáy nhiệt đới và sóng nhiệt.
Hiện tượng El Nino xảy ra 27 năm/lần gây ra thời tiết nóng và ẩm ướt hơn, tạo điều kiện lý tưởng cho các côn trùng mang mầm bệnh như muỗi Aedes aegypti và muỗi Aedes albopictus lây lan vi-rút gây bệnh, Giáo sư Lowe nói.
Đại dịch Zika xuất hiện ở Brazil vào năm 2015 là kết quả của El Nino. Những tháng nhiệt độ ấm hơn mức trung bình đã góp phần thúc đẩy sự lây lan của loại virus này, khiến 1,5 triệu người nhiễm bệnh.
“Với biến đổi khí hậu đang dường như khó giải quyết, sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh hơn và có thể tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết và sốt rét trên khắp lục địa. Chúng ta phải lường trước các đợt bùng phát và có động thái can thiệp sớm để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra ngay từ đầu”, giáo sư Lowe nhấn mạnh.