Chuyện bảo tồn nghề truyền thống ở vùng cao
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:26, 29/04/2024
Truyền nghề
Liên tiếp trong những ngày qua, tại Nhà văn hóa xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, trở nên đông vui bởi tiếng nói, tiếng cười, âm thanh chẻ tre, vót mây… Các thành viên trong lớp học đều là người trẻ được các nghệ nhân lớn tuổi kèm cặp, truyền dạy từ lý thuyết tới kỹ năng thực hành đan lát. Phương pháp học chủ yếu là cầm tay chỉ việc để tạo ra các sản phẩm từ đơn giản đến khó. Nhìn những đôi tay của các em ban đầu khá lúng túng, vót nan chưa đều và thường xuyên gãy, chưa biết cách luồn mây, bẻ góc… nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi hàng giờ để học, bà Lê Thị Kim Liên – Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ, khấp khởi trong lòng, bởi rồi đây nghề truyền thống của cha ông chắc chắn sẽ được tiếp truyền.
Đời sống kinh tế của người K'ho xã La Dạ chủ yếu gắn với trồng trọt, chăn nuôi, bắt cá trên sông, suối nên cần nhiều nông cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Vì thế nghề đan lát có từ lâu đời và nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ những vật liệu thông dụng của cây tre, nứa, cỏ, mây… dưới đôi tay khéo léo người K'ho đã tạo nên các vật dụng phục vụ cuộc sống như nia, rổ, nơm, gùi, sờ ví… rất đẹp mắt.
Mặc dù đây là nghề phụ, nhưng những lúc nông nhàn vẫn thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình tham gia. Để làm ra một sản phẩm, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn, lấy nguyên liệu “vừa tuổi” để có độ dẻo, rồi đem ngâm nước, phơi khô, chẻ và chuốt sợi nan thật đều rồi mới đan từng bộ phận của sản phẩm. Mỗi sản phẩm phải làm liên tục từ 5 - 7 ngày, trong đó chiếc gùi kín, dày dùng để biểu diễn trong lễ hội và đựng gạo, bắp, hạt giống yêu cầu kỹ thuật, cũng như thời gian lâu nhất.
Sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời với sản phẩm đa dạng và tinh tế, nhưng nghề đan lát của người K'ho không tránh được xu hướng phát triển của thị trường. Các vật dụng sinh hoạt trong gia đình của người K’ ho ở xã La Dạ đều chuyển sang đồ bằng nhựa, bởi giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã, đẹp mắt và được bày bán ở khắp mọi nơi từ chợ cho đến cửa hàng…
Bà Lê Thị Kim Liên chia sẻ: Toàn xã có hiện có 4.321 khẩu nhưng chỉ còn khoảng 15% số dân biết đến nghề đan lát, chủ yếu là những người lớn tuổi, còn lại nhất là thế hệ trẻ không còn mặn mà học nghề. Tuy nhiên địa phương cũng xác định không thể để nghề truyền thống thất truyền, trong khi xã La Dạ nằm trên tuyến đường du lịch đi Đa Mi và giáp với điểm di tích Căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ mở ra cơ hội để trở thành điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách ghé qua.
Giữ nghề
Đứng trước nguy cơ thất truyền của các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nghề đan lát của dân tộc K'ho, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi các nghệ nhân giữ lấy nghề bằng cách truyền dạy cho con cháu, thì mở các lớp là cách thực hiện hữu hiệu nhất. Trong đó từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với UBND xã La Dạ̣ tổ chức truyền dạy ngay tại địa phương.
Lớp truyền dạy chỉ có 2 nghệ nhân, trong đó ông Bờ Rông Xen năm nay đã 71 tuổi. Tuy phải tạm ngưng công việc nương rẫy nhưng ông rất mừng vì con cháu trong xã quan tâm học nghề. Thỉnh thoảng ông lại động viên người học kiên nhẫn, chịu khó. Nhất là với nhiều học viên nữ, quá trình vót tre, nứa thường không đều tay, dễ đứt, gãy. Sự cẩn trọng trong quá trình đan nia, rổ, nơm, khi nào ấn mạnh, khi nào nới lỏng thì mới cho ra sản phẩm đẹp được.
Cầm trên tay sản phẩm do chính mình làm ra, anh Xim Hoàng Tiến, tươi cười: Trong những ngày học, tôi đã làm được những sản phẩm đơn giản từ nghề đan lát. Được biết hiện nhiều nhà hàng hay các quán ăn đã quay trở lại dùng nia, rổ để đựng thực phẩm, gùi làm trang trí, nếu có sự liên kết, đây là niềm hy vọng để chúng tôi làm nghề, có cơ hội bán kiếm thêm thu nhập.
Ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nghề đan lát không chỉ là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc K'ho, mà còn là nét văn hóa riêng biệt, độc đáo cần được khôi phục, bảo tồn. Một khi nhận thức của người dân thay đổi, phát triển thành làng nghề sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng và các sản phẩm của đồng bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.