Tháng tư lịch sử ở “thung lũng nắng và gió”

Đời sống - Ngày đăng : 05:08, 30/04/2024

Sau giải phóng, xã Phong Phú cùng với người dân toàn tỉnh hòa chung niềm vui thống nhất non sông, khẩn trương bắt tay xây dựng quê hương. Ở điểm xuất phát bằng không, những con người tứ xứ, đủ mọi thành phần tập hợp về thung lũng đầy nắng và gió để xây dựng kinh tế mới...

Về lại vùng căn cứ kháng khiến

Những ngày tháng tư lịch sử, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), chúng tôi trở lại “thung lũng nắng gió” xã Phong Phú, nơi có vùng đất La Bá, một trong những khu căn cứ địa cách mạng của quân dân huyện Tuy Phong. Cách trung tâm xã khoảng 20 km đường đèo dốc, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bia tưởng niệm Cây Dầu 3, xã Phong Phú. Ông Nguyễn Văn Minh, năm nay hơn 70 tuổi, đang sinh sống ở địa phương là người dẫn chúng tôi đến. Ông đã từng gắn bó lâu năm với vùng đất cách mạng La Bá cách đây hơn 49 năm, nên được chứng kiến quá trình phát sinh, phát triển vươn lên ở mảnh đất này.

3b4614bf-5f12-49b6-becf-eca695844338.jpeg
Ông Minh, ông Hùng cùng thế hệ trẻ thắp hương tại bia tưởng niệm.

Sau khi thắp nén tâm nhang, ông hướng nhìn vào dòng chữ in đậm trên tấm bia tưởng niệm: “Nơi đây một trong những địa điểm các cơ quan dân, quân, chính đảng huyện Tuy Phong đã đóng quân trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, rưng rưng xúc động, không giấu được sự tự hào kể lại: Từ ngày 11-13/5/1972, tại cây Dầu Ba – La Bá, quân ta tổ chức “Đại hội nhân dân đổi đời” có 25 đại biểu các dân tộc ở vùng căn cứ, vùng tạm chiếm trong huyện về tham dự.

c0f0aa46-65ff-4b1f-903d-f73473ac2a03.jpeg
Thông tin tại bia tưởng niệm Cây Dầu 3, xã Phong Phú.

Đặc biệt, câu truyền miệng của những người nông dân làm lúa mùa từ thời chống Pháp là “Gạo La Bá, cá Tà Uôn” thường xuyên được nhắc đến, cho thấy sự trù phú, giàu tiềm năng nông nghiệp ở vùng đất này. Tìm hiểu thêm từ lịch sử đảng bộ xã Phong Phú, thì La Bá là căn cứ cách mạng nên huyện chủ trương giãn dân, xây dựng vùng kinh tế mới. Sau khi khảo sát vùng Tà Uôn (nay là khu 1 La Bá), địa phương đã vận động đưa 32 hộ dân, 115 khẩu về lập khu kinh tế mới, chủ yếu là nông nghiệp.

f1a7cbe8-58e6-4605-8f2b-36ea63b085c5.jpeg
Toàn cảnh bia tưởng niệm Cây Dầu 3.

Cuộc sống các hộ này bước đầu ổn định, tạo tiền đề cho việc giãn dân xây dựng các vùng kinh tế mới sau này. Đến năm 1978, đã hình thành các khu kinh tế mới khu 1, khu 2 – La Bá, vận động đưa được 267 hộ dân, 983 khẩu đến ở và bắt tay vào sản xuất. Bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng càng về sau cuộc sống được cải thiện do có sản phẩm sản xuất tại chỗ như lúa, các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi bò đàn, cộng với sự hỗ trợ của nhà nước về lương thực và các mặt hàng thiết yếu, nên đời sống các hộ dân ngày càng ổn định, gắn bó với vùng đất mới.

z5390367580184_7c05997b3f8197d38087a36513aa27a2.jpg
Ông Minh kể lại về vùng căn cứ La Bá.

Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, giờ đây khi trở lại khu căn cứ cách mạng xưa, ông Minh cùng người bạn đồng niên là ông Lê Sĩ Hùng chậm rãi ngồi trên chiếc ghế đá ngay tại khu tưởng niệm, xa xăm hồi ức về một thời khốn khó. Trong suốt câu chuyện kể, ông Minh chỉ tay về hướng trục đường trước mắt, cho biết ngày xưa từ dưới xuôi, để ngược lên thôn La Bá đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Giữa núi rừng xanh thẳm, đường sá chưa được đầu tư nên việc đi lại, nhất là vận chuyển gạo, lương thực lên nuôi cán bộ cách mạng ở căn cứ hầu như chỉ vác bộ hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới. Còn ông Lê Sĩ Hùng chia sẻ: Ông quê ở miền Bắc đặt chân đến vùng đất La Bá từ năm 1989, làm cán bộ lâm trường. Trong ký ức của ông, ngày ấy vùng đất này còn hoang sơ giữa núi rừng, người dân dựng chòi lá, nhiều người vào rừng lấy dầu thông… Còn hiện tại, ông Hùng vẫn gắn bó với mảnh đất La Bá, với vườn cây ăn trái sum suê, không thiếu nước tưới. Cuộc sống ở tuổi xế chiều yên bình, hạnh phúc như thế, khiến ông không muốn rời đi...

52d9ceff-c1f0-465b-9fd1-7a8baf0a4499.jpeg
Nhà văn hóa thôn La Bá được xây dựng khang trang.

Thay “áo mới”

Cuối tháng 4/2024, thời điểm nắng hạn, khô hanh đang diễn ra ở khắp nơi, trong đó người dân Bình Thuận với vùng đất “khó, khô khổ” lại càng cảm nhận được sự khắc nghiệt ấy. Nhất là Phong Phú lại là vùng đặc trưng “thiếu mưa, thừa nắng, dư gió”, được người dân ở đây thường ví von là “thung lũng nắng và gió”. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trở lại vùng căn cứ cách mạng La Bá lần này, tôi cảm nhận được sự hồi sinh, phát triển, chiếc “áo mới” với trường học, nhà văn hóa, đường sá ngày càng khang trang, phục vụ đời sống người dân.

Như lời giới thiệu của ông Nguyễn Việt Hùng – Chủ tịch UBND xã Phong Phú: Đất ở thôn La Bá giáp với xã Phan Dũng nên thời tiết mát mẻ hơn, đất khá phì nhiêu, phù hợp với các mô hình trồng cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, dừa, táo, mít… Vùng đất này còn có nhiều sông suối đi qua, khá thuận lợi cho đời sống, sản xuất. Nhất là khi công trình thủy lợi hồ Sông Lòng Sông được xây dựng ở xã Phong Phú, với một con đập bê tông cao 45,8 m, chắn ngang sông Lòng Sông đã tạo nên một hồ chứa sừng sững, tưới và làm xanh tươi diện tích rộng lớn xung quanh hệ thống thủy lợi Lòng Sông và cấp nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người, cải tạo khí hậu.

z5390368344017_033dfd246bc0aa7b0c49390500187c7b.jpg
Trục đường đến thôn La Bá đã được đầu tư.
z5324829020404_715f3aa8153951912d5f913bf8d7894e.jpg
Hạ du công trình thủy lợi Sông Lòng Sông.

Điều đặc biệt hơn là trong năm 2024, huyện Tuy Phong đặt mục tiêu sẽ có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chính là xã Phong Phú. Để đạt được mục tiêu này, xã Phong Phú đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương, hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư khang trang, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tạo sự hưởng ứng đồng thuận cao trong nhân dân.

z5033083128690_2e9521e6504fdc9a0d0bf694a21325ed.jpg
Trồng táo ở Phong Phú.

Đáng phấn khởi, nhờ cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện nên bà con đã và đang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Với đặc trưng khí hậu, đất đai hiện có, tại thôn La Bá nói riêng và xã Phong Phú nói chung đã có nhiều mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhất là táo xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Phong Phú đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, đang thu hút du khách và người tiêu dùng tìm đến.

Riêng ở thôn La Bá, tháng tư lịch sử trên vùng căn cứ kháng chiến này, tôi cảm nhận sự đổi thay rất nhiều của địa phương so với nhiều năm trước, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn so với vùng xuôi. Dẫu vậy, chúng tôi tin rằng, với sự hội tụ của vùng đất phì nhiêu, nguồn nước thuận lợi, và tiềm năng phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm đang có, chắc chắn vùng đất cách mạng này trong tương lai không xa sẽ ngày càng đổi thay, phát triển.

Ghi chép: Kiều Hằng