Giải pháp thực hiện quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi

Môi trường - Ngày đăng : 05:05, 30/04/2024

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 145/2024/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đầu tư các công trình lớn, phục vụ đa mục tiêu

Tuyên truyền phổ biến nội dung Quy hoạch đến tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy lợi và phòng, chống thiên tai để phát huy vai trò giám sát của người dân, sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện quy hoạch. Triển khai thực hiện cung cấp, lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định; thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản để cung cấp các số liệu phục vụ lập, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai.

Dự án hồ Sông Lũy. Ảnh: Đ.Hòa

Bố trí đủ nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ, quy mô đầu tư các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai trong kế hoạch là dự kiến, tiến độ, quy mô cụ thể sẽ được xác định và phê duyệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của các dự án.

Hồ Tà Mon khô hạn. Ảnh: Đ.Hòa

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án giai đoạn trước còn dở dang, chưa đồng bộ để phát huy hiệu quả; đầu tư các công trình lớn, phục vụ đa mục tiêu, có tác động liên vùng, liên tỉnh để giải quyết các vấn đề cấp bách trong phòng, chống thiên tai và thủy lợi, nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng thường xuyên chịu tác động hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh nguồn nước; thu hút nguồn vốn xã hội hóa, sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công đối với các dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai, nhất là công trình cấp nước sạch nông thôn, thủy lợi kết hợp thủy điện, du lịch, dịch vụ theo quy định.

Cân đối ngân sách, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai (nâng cấp, xây dựng mới các hồ thủy lợi, công trình tích trữ, tạo nguồn nước, điều tiết nguồn nước; các công trình liên kết, kết nối, chuyển nước, công trình điều tiết mặn, ngọt; các công trình đê điều, công trình chính trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển...) theo lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt.

Hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai có hiệu quả chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực ứng phó với thiên tai từ quỹ phòng, chống thiên tai để thu hút tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai theo quy hoạch; tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, thu hút nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, nhất là trong công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, quản lý đê điều, ứng phó trước các tình huống thiên tai; củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp với đặc thù của vùng, miền.

Người dân gia cố bờ biển sạt lở. Ảnh: Đ.Hòa

Chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp

Tăng cường ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai; quan trắc công trình, kiểm tra, kiểm định, đánh giá, đề xuất các giải pháp, công cụ đánh giá an toàn đập, chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa nước, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố đập, hồ chứa đến hạ du; quan trắc, giám sát công trình đê điều, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nguồn nước, số lượng nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi...

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là các công nghệ phục vụ quan trắc, giám sát, kiểm soát chất lượng nước, quản lý, xử lý ô nhiễm nguồn nước; kiểm soát chất lượng nước, quản lý, xử lý hiệu quả nguồn gây ô nhiễm, phục hồi nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, nhất là các hệ thống thủy lợi đã và đang bị ô nhiễm, một số hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, xác định hạn ngạch xả nước thải, lộ trình giảm xả thải trên các sông, kênh thuộc hệ thống thủy lợi.

Chủ động và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến chia sẻ nguồn nước; phối hợp xây dựng cơ chế hợp tác với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Tại tỉnh ta từ năm 2023 đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh xảy ra với nhiều loại hình như: mưa lớn, dông sét, lốc xoáy, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển... làm chết 5 người, bị thương 11 người; sập, tốc mái, hư hỏng 148 căn nhà; thiệt hại 14.728 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; tổng giá trị thiệt hại khoảng 160,01 tỷ đồng. Sau thiên tai, sự cố xảy ra, Sở Nông nghiệp và PTNT - Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của các địa phương, ngành và xuất chi từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn thu Quỹ PCTT để hỗ trợ kịp thời cho người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tập trung triển khai đầu tư, xây dựng công trình kè bảo vệ bờ chống sạt lở, xâm thực; tổ chức kiểm tra, đánh giá, đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa trước và trong mùa mưa bão.

Như Nguyễn; ảnh Đình Hòa