Ký ức ngày thống nhất đất nước: Vỡ òa cảm xúc khi đứng trước biển!

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:42, 01/05/2024

“Cứ tới ngày 30/4... lại nhớ anh em mình ở La Gi quá”, giọng ông Nguyễn Hữu Trí, cựu Bí thư Huyện ủy Tánh Linh nhiệm kỳ 2000 - 2005 vang lên trong điện thoại.

“Ngoài những đồng chí đồng đội gắn bó với anh ngày đó thì anh nhớ gì nhiều nhất?”, tôi hỏi với tư cách một người quen lâu nay của cựu bí thư. Một phút im lặng trôi qua. “Mình nhớ nhất là ngày 30/4/1975, lần đầu tiên bọn mình tận mắt thấy biển. Còn trước đó ít ngày chỉ đứng trên dốc tỉnh nhìn xuống Đồi Dương, thấy một màu xanh ngắt. Phải nói cái giây phút tận mắt thấy biển xúc động lắm. Nó cho thấy toàn thắng đã về ta. Về với cách mạng. Từ chỗ sống trong rừng núi, quen thuộc với rừng, lấy núi rừng làm bạn, bây giờ những người cách mạng đã về tới biển xanh. Mà không chỉ riêng mình, anh Lê Khắc Thành, Bí thư Tỉnh ủy Bình Tuy thời điểm đó, cũng xúc động. Chúng mình đứng trước biển một hồi lâu rồi cười vang, hồn nhiên như trẻ thơ”.

ky-uc.jpg

Năm 1975, ông Trí khi ấy là bảo vệ kiêm liên lạc của Tỉnh ủy Bình Tuy trên đường từ Hoài Đức về giải phóng Bình Tuy (nay là thị xã La Gi). Ông ghi trong nhật ký chiến trường: “Ngày 21/4, đoàn đến huyện Nghĩa Lộ (nay là xã Tân Hà - Hàm Tân). Tại đây, biết lực lượng tiến công giải phóng Bình Tuy gồm: Tiểu đoàn 15 thuộc Trung đoàn 812, Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội pháo 130 của Sư 304, Đại đội xe tăng T 54 của Sư 325. Đêm 22/4, lúc 19 giờ có lệnh hành quân vào giải phóng Bình Tuy”. Liền sau đó, ông và đồng đội tiếp tục truy quét địch, bắt sống quận trưởng Hàm Tân, ổn định tình hình, trật tự an ninh, duy trì điện, nước, thu gom vũ khí, thiết bị chiến tranh… gần như không có một phút rảnh rỗi. Những phút nghỉ giải lao trong lúc công tác, ông ao ước: “Đã về tới đây rồi phải xuống cho tới biển một lần”. Nghĩ là nghĩ vậy, cho tới sáng ngày 30/4, ông được lệnh đi bảo vệ Bí thư Thành xuống Đồi Dương tìm hiểu đời sống người dân, rồi từ đó đi ra biển.

Sinh năm 1952, ông Nguyễn Hữu Trí thoát ly tham gia cách mạng từ khá sớm. Từ đó cho đến trước ngày giải phóng, ông sống, phục vụ lãnh đạo trên căn cứ Núi Ông (Tánh Linh). Ông Trí tiếp: “Bí thư Thành và mình, thú thật khi ấy đều muốn nhào xuống biển để nước biển ngấm vô da thịt, vùi mặt trong sóng biển cho thỏa thích, sau nhiều năm tháng cứ ước ao: Được về với biển. Biển với người dân xứ biển là bình thường, nhưng với người kháng chiến dài ngày như Bí thư Thành nó mãnh liệt lắm. Nó nói lên khát vọng đã thành của bao người chiến sĩ cách mạng”.

Kết thúc câu chuyện với ông Trí, tôi nói trịnh trọng trong máy: Những người quê La Gi như tôi, nhân ngày 30/4 năm nay, xin trân trọng mời anh Trí và đồng đội anh về thăm La Gi, không chỉ gặp lại biển mà chứng kiến sự thay đổi của phố biển sau nhiều năm thống nhất đất nước. Chúng tôi chờ anh ở biển Đồi Dương. Đi nhé!?

Hà Thanh Tú