Tìm giải pháp để xử lý triệt để rác tại Làng chài Mũi Né
Đời sống - Ngày đăng : 05:18, 02/05/2024
Người dân sống lâu năm tại khu vực làng chài cho biết, vài năm trở lại đây, cứ đến mùa gió tây nam (từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch) lại có rác đại dương trôi nổi về. Một số người thì nêu nguyên nhân không hoàn toàn là do rác đại dương mà do chính các tàu, thuyền thúng đánh bắt xả xuống. Đơn cử như ông Hồ Nhữ Phước (Trưởng ban Mặt trận khu phố 2) chỉ rõ nguyên nhân nằm ở yếu tố “con người” khiến rác nơi đây dọn mãi không hết. Cái chính của vấn đề theo ông Phước là phải làm việc được với các chủ tàu, thuyền, thúng, bởi mỗi lần ra đánh bắt họ đem theo rất nhiều vật dụng sinh hoạt, trong đó có cả những loại khó phân hủy như chai nhựa, bao bì, khi sử dụng xong lại vứt thẳng xuống biển. Chưa kể khi vào bờ, họ cân hải sản để bán xong còn bao bì lại vứt luôn xuống biển.
Những lượng rác đó sẽ trôi lơ lửng tích tụ trên mặt biển, nhẹ thì dần dần trôi dạt; nặng thì lắng đọng đến mùa sóng lớn bị đánh vào bờ. Do đó, bài toán đặt ra là làm sao cho các chủ tàu thuyền không xả rác xuống biển, mà phải đem lại vào bờ. Cũng theo ông Phước, đó chỉ mới là nguyên nhân xuất phát từ người đi biển, còn một nguyên nhân nữa xuất phát từ người trên biển, là những người chế biến hải sản, những người này thải vỏ sò, vỏ ốc, phế phẩm ra môi trường. Như vậy, cần phải tuyên truyền, vận động để khi sản xuất chế biến xong thu gom bỏ đúng nơi quy định.
Trước những nguyên nhân được người dân nhìn nhận chỉ ra, ông Đỗ Quốc Bảo – Bí thư Đảng ủy phường Mũi Né cho biết, địa phương đã cho sắp xếp di dời vị trí buôn bán hải sản sang một bên cho gọn gàng. Vấn đề nằm ở chỗ người dân buôn bán tại đây chế biến hải sản, đập vỏ sò, vỏ ốc gây mất vệ sinh môi trường, nên chúng tôi sẽ mời làm việc, tuyên truyền khi xử lý xong phải thu gom, không xả xung quanh bờ biển. Đối với các ghe, thuyền và đặc biệt là thúng khi ra khơi địa phương cũng đã tuyên truyền cho ngư dân là phải có kèm theo thùng rác; không xả rác xuống biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Và đây cũng là biện pháp được xác định làm lâu dài để thay đổi nhận thức và hành vi của họ.
Như vậy, người dân địa phương chỉ ra nguyên nhân, chính quyền bước đầu cũng đã có giải pháp. Chính quyền nỗ lực cả về giải pháp tình thế cũng như biện pháp lâu dài, song điều quan trọng hơn cả là ý thức của mỗi người dân trên địa bàn. Mỗi người cần thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển chung vì một Mũi Né “xanh - sạch - đẹp - văn minh”.