Phim Việt, “chạm” cảm xúc người Việt
Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 14:46, 02/05/2024
Chưa bao giờ khán giả xem một bộ phim Việt mà ở đó, cảm xúc cứ bị đẩy lên từng phân đoạn như Lật mặt 7. Và có lẽ, đây là phim chiếu rạp ổn nhất mà tôi từng xem. Khác với nhiều bộ phim thường thấy dạo gần đây, Lý Hải đã khắc phục những khuyết điểm cũ, và gần như không có trong Lật Mặt 7 - Môt điều ước.
Phim xem khá tự nhiên với những diễn biến tâm lý nhân vật hợp lý và có thể hiểu được. Lý Hải cố gắng kể một câu chuyện hay nhất trong khả năng có thể của mình, và để khán giả tự do cảm nhận. Thêm nữa, phim được đầu tư về bối cảnh là một điểm cộng. Xem Lật Mặt 7 xong khả năng các bạn sẽ thấy yêu Việt Nam hơn rất nhiều.
Lý Hải cố gắng làm nổi bật đặc trưng từng vùng miền, diễn xuất của diễn viên nằm ở mức tròn vai. Có thể nói, Lý Hải thực sự đặt trái tim mình vào bộ phim này. Một sản phẩm không hoàn hảo nhưng nó được làm bằng tất cả tâm huyết, thì theo tôi nó vẫn xứng đáng được đón nhận.
Trong suốt quá trình phim, nhiều khán giả đã khóc, sau mỗi phân đoạn. Thỉnh thoảng, cũng bật lên tiếng cười không kiểm soát. Với Lật mặt 7 là trường hợp đặc biệt, người xem đã cố kiềm nén vì sợ người ta nhìn thấy mình khóc, nhưng bất khả. Nước mắt cứ tự nhiên rơi, theo lẽ tự nhiên nhất của cảm xúc. Khóc rồi lại thấy lòng nhẹ nhõm và càng yêu thương gia đình mình hơn, thương má hơn.
Ở Lật mặt 7 - Một điều ước là hành trình của những giọt nước mắt đẹp lăn theo bước chân của mẹ già, khi ghé qua nhà từng đứa con của mình. Nhưng nỗi lòng của bà được giấu kín, những giọt máu mà bà đã sanh ra, nuôi dưỡng chúng lớn lên trong nhọc nhằn.
Không có những ngôi sao lớn, nhưng tất cả Quách Ngọc Tuyên, Trương Minh Cường, Đinh Y Nhung đã sống chính cuộc đời của họ. Đặc biệt là nghệ sĩ Thanh Hiền – vai má Hai đang sống như chính cuộc đời của họ.
Lý Hải đã dùng sự mộc mạc để chạm vào cảm xúc khán giả. Một câu chuyện được kể không thừa, không thiếu, nhưng mang đậm chất điện ảnh. Bằng cách kể chuyện, Lý Hải đã khéo léo dẫn người xem đi qua các tỉnh thành của Việt Nam: Hà Nội, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tp.Hồ Chí Minh... thì bối cảnh mình thích nhất và xúc động nhất là ở Ninh Thuận, nét đẹp văn hoá vùng miền, của người lao động biển theo chân người mẹ. Để rồi có thể khóc, có thể cười của đời sống những ngư dân. Bằng cách đó, bộ phim đã giới thiệu đến người Việt và du khách quốc tế rất nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn ở Việt Nam.
Một bộ phim về người mẹ, để tôn vinh đấng sinh thành, vừa văn minh. Một bộ phim mà hiếm khi, từ lúc chiếu đến khi kết thúc cả rạp im lặng dõi theo, thỉnh thoảng phía trước, có người tháo kính vì nhòa, đưa tay quẹt nước mắt theo một lẽ tự nhiên nhất.