Kết nối với con tuổi dậy thì

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:06, 03/05/2024

Giáo dục giới tính cho trẻ là cách giúp trẻ từng bước có những kiến thức về tâm lý, giới tính của mỗi giới và hình thành quan niệm đúng đắn về sức khỏe sinh sản, ý thức tự bảo vệ bản thân. Trước đầy rẫy những thông tin, thì không bức tường thành nào vững vàng bằng gia đình…

Mấy hôm nay, vụ việc bé gái mới 12 tuổi, ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị hiếp dâm dẫn đến mang thai, sinh con, mà thủ phạm không ai khác là một người thân thiết, sống cạnh gia đình. Chỉ đến khi gần ngày sinh, bố của bé gái mới phát hiện con mình có những biểu hiện khác thường. Ông đã thốt lên vì đau đớn và tự trách bản thân không dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm đến con. Câu chuyện trên khiến bàn cà phê của những bà mẹ có con đang vào ngưỡng tuổi dậy thì trở nên sôi nổi.

sach.1.jpg
Đọc sách để đồng hành cùng tâm lý tuổi "teen"

Chị Thùy Dung, có hai con gái chia sẻ: Chị đã từng “đau đầu” khi con gái lớn lúc mới 13 tuổi đã có tình cảm với bạn khác giới. Ban đầu chị cấm cản, la mắng, thậm chí kiểm soát thời gian của con, vì thấy lực học của con giảm sút, thêm nữa nghĩ rằng lứa tuổi này còn quá nhỏ làm sao hiểu về tình yêu. Không khí gia đình, mẹ con thực sự căng thẳng. Phải đến hơn 3 tháng sau, khi nhận được những lời sẻ chia từ nhiều người, chị mới dần thay đổi, ngồi xuống để hiểu con hơn. Mấy năm nay, thay vì những lời đay nghiến, chị chủ động nói với con các kiến thức về giới tính, bảo vệ sức khỏe sinh sản.

“Bước vào tuổi dậy thì, con trẻ ôm một số nỗi thắc mắc, cộng với trí tò mò bị kích thích nên rất muốn tự tìm hiểu, khám phá. Điều đáng lo ngại là sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng một lượng kiến thức khổng lồ luôn mở, nhưng không phải cái nào cũng đúng chuẩn, tích cực. Vì thế thiếu sự quan tâm, định hướng đúng đắn, các con rất dễ chống đối và sa ngã”, chị Dung nói.

2024.-gd-hoc-sinh.jpg
Hoạt động ngoại khóa cùng em vững bước- phòng chống bảo vệ bản thân.

Rút kinh nghiệm từ cô chị, đứa thứ hai từ khi bước vào học lớp 4, chị đã giáo dục giới tính cho con. Cũng bởi thế, qua các hình ảnh trên phim, sách báo… hai mẹ con trao đổi khá tự nhiên về giới tính, trong đó có những vấn đề nhạy cảm trên cơ thể.

Những thay đổi về ngoại hình, kể cả tâm, sinh lý khiến trẻ cảm thấy mình không còn trẻ con nữa và muốn được đối xử như người lớn. Con trẻ dễ cáu gắt, nóng giận, hay cãi lời và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, nhưng đa phần cha mẹ mải miết với cuộc sống mưu sinh, không để ý đến những vấn đề đó. Thêm nữa họ cho rằng mình đã trải qua giai đoạn tuổi dậy thì nên hiểu hết tất cả những suy nghĩ của bọn trẻ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Bởi cùng một sự việc nhưng ở những thời điểm khác nhau, môi trường và thời đại khác nhau thì suy nghĩ, cách thể hiện hay diễn biến câu chuyện cũng sẽ khác nhau.

Theo báo cáo của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này, 30% là phụ nữ từ 15-19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, cả nước có 1,2-1,6 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên.

Từ câu chuyện giới tính, sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh – Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam cho rằng: Đừng để giáo dục giới tính là việc của nhà trường, mà chính gia đình mới là người gần gũi các con nhất. Cha mẹ đừng né tránh trước các câu hỏi của con và hãy để trẻ biết tình yêu là điều bình thường, không phải tội lỗi. Tuy nhiên, không vì nó mà lơ là việc học, biết kiềm chế những cảm xúc giới tính và trang bị kiến thức an toàn để có một tình cảm trong sáng, phù hợp với lứa tuổi.

Thục Anh