Nâng chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 08:03, 02/05/2024
Dạy học tiếng Chăm
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết DTTS, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, tỉnh Bình Thuận đã triển khai dạy học tiếng Chăm tự chọn trong các cơ sở giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học tại 4 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân) có số đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người dân tộc Chăm. Trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh triển khai dạy học tiếng Chăm tại 12 trường tiểu học, 132 lớp với 3.683 học sinh được học môn tự chọn tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5. Riêng cấp THCS và THPT chưa tổ chức dạy tiếng Chăm trong trường, vì chưa có sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học này. Ngoài việc dạy tiếng Chăm trong nhà trường, vào dịp lễ hội Katê, các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch, tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Chăm huyện Bắc Bình, tháp Poshanư... Từ đó, giúp học sinh thêm yêu thích, tự hào về ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc Chăm.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, khó khăn hiện nay không còn biên chế giáo viên dạy riêng tiếng Chăm; giáo viên thiếu so với quy định nên việc bố trí dạy đủ tiết môn tiếng Chăm ở một số trường chưa đảm bảo theo quy định, dẫn đến gặp khó khăn trong thụ hưởng chế độ quy định (dạy đủ 4 tiết/tuần). Chỉ ưu tiên bố trí dạy các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc theo Chương trình phổ thông cấp tiểu học. Giáo viên dạy tiếng Chăm chưa được đào tạo chuyên ngành sư phạm về tiếng dân tộc thiểu số, phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tiếng DTTS trong nhà trường. Mặt khác, bộ thiết bị dạy học tiếng Chăm theo Chương trình mới chưa được ban hành đưa vào sử dụng kịp thời, phần nào ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng Chăm tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng DTTS
Để góp phần bảo tồn và phát huy, gìn giữ các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh (gọi kế hoạch).
Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 tiếp tục triển khai tổ chức dạy học tiếng DTTS tại các trường tiểu học vùng có đông học sinh dân tộc. Đảm bảo cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, tài liệu tham khảo; thiết bị dạy học, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng DTTS cấp tiểu học. Phấn đấu đủ số lượng giáo viên để dạy tiếng DTTS cấp tiểu học, trong đó 80% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng DTTS được nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học tiếng DTTS. Xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo rèn luyện cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng DTTS, góp phần rèn luyện tư duy và học tốt môn tiếng Việt cũng như các môn học khác… Đến năm 2030 tiếp tục triển khai dạy học tiếng DTTS tại các trường tiểu học vùng có đông học sinh dân tộc; đồng thời tổ chức dạy học tiếng DTTS tại các trường trung học cơ sở vùng có đông học sinh dân tộc. Phấn đấu đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng DTTS ở cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, trong đó 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng DTTS được nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học tiếng DTTS…
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch và lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, tập trung thực hiện các nhiệm vụ như triển khai chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng DTTS; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng DTTS; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng DTTS; hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS.