Các địa phương chủ động phương án phòng cháy chữa cháy rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 18:12, 05/05/2024

BTO-Chiều nay (5/5), tại trụ sở UBND tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ 3 tỉnh không có rừng là Cần Thơ, Hưng Yên, Vĩnh Long). Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng sự tham dự của một số sở, ban, ngành liên quan.

img_7444.jpg
Điểm cầu tại UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích rừng cả nước là 14.860.309 ha (rừng tự nhiên 10.129.751 ha, rừng trồng 4.730.557 ha). Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ 2022.

Riêng 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2 ha giảm 75,7 ha; xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498 ha…

Nhìn chung số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà của người dân.

z5321707672535_4b9551e9211a7edbfbb45318bfd5d272.jpg
Một khu rừng Bình Thuận nhìn từ trên cao.

Tại Bình Thuận, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 342.127,58 ha, trong đó rừng tự nhiên là 296.915 ha và rừng trồng 45.212 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 43,08%.
Trong năm 2023, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp 289 vụ, đã xử lý vi phạm hành chính 217 vụ.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý bảo vệ rừng toàn tỉnh đã chủ động phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp 136 vụ, đã xử lý vi phạm hành chính 85 vụ; lâm sản tịch thu gồm 105,66 m3 gỗ các loại…

Đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 20 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 29,54 ha.

z5148821122390_5e061ca8c7f8e97a1ccfc68f37ff861b.jpg
Rừng mùa khô có nguy cơ cháy rất cao.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhờ sự chủ động vào cuộc của các cấp từ tỉnh, huyện, xã, chủ rừng và việc thực hiện tốt các biện pháp nên năm 2023 đến nay không có vụ cháy rừng nào gây thiệt hại lớn. Hầu hết các điểm cháy rừng sau khi có tin cảnh báo, báo cháy đều được các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương chữa cháy kịp thời.

z4982956012280_a2308c4d30e9fe3beb7121e8cefe4a65.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng.

Sau khi nghe các ý kiến của một số địa phương, bộ ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, hiện nay ý thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng đã tốt hơn. Song vẫn còn nhiều trở ngại, áp lực di dân và tập quán canh tác. Trong khi đó nguồn lực, điều kiện để quản lý, bảo vệ rừng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương, bộ ngành hoàn thành các nghị định liên quan và rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững, phát huy đa dạng sinh thái rừng.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo công tác dự báo khí tượng thời tiết tốt nhất có thể. Cùng với đó, tăng cường truyên truyền đến người dân về công tác phòng chống cháy rừng…Riêng các địa phương chủ động kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong những tháng cao điểm khô hanh. Song song, quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng…

Được biết sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi khảo sát và làm việc với Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum về công tác quản lý, bảo về và phòng cháy rừng. 

Kiều Hằng