Bình Thuận và tiềm năng khai thác carbon rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 06/05/2024

Bình Thuận với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh, để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một bước ngoặt, làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên carbon.

Quản lý bền vững tài nguyên rừng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 342.127 ha, gồm rừng tự nhiên gần 297.000 ha và rừng sản xuất hơn 138.700 ha. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng, phát triển tín chỉ carbon.

z5321707662840_11a3e48e127be23e4f0f87e8124350bf.jpg
Rừng mùa khô ở Hàm Thuận Nam.

Từ đó đã đạt được một số kết quả nhất định thông qua Chương trình UN-REDD giai đoạn II - Chương trình hợp tác Liên hợp quốc về phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước phát triển. Trong số các hoạt động, Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ tỉnh xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật giao khoán bảo vệ rừng cho người dân tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Lê Hồng Phong; BQL RPH Sông Quao. Đồng thời xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán cho 10 ha rừng tự nhiên nghèo, rừng khộp và rừng tái sinh tham gia mô hình làm giàu rừng tại Ban QLRPH Sông Mao...

z5410069503433_24d12402133a09db9ecd8ec5e4fdc4ab.jpg
Rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Còn tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, hiện đang được giao quản lý gần 18.700 ha rừng, trong đó có 3.100 ha rừng tự nhiên và hơn 10.000 ha rừng trồng. Đến nay diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC gần 9.600 ha, trong đó rừng trồng 8.670 ha và rừng tự nhiên 889 ha. Đây là kết quả của sự chuyển đổi dần từ quản lý rừng theo cách thức truyền thống sang quản lý theo hướng hài hòa, bền vững. Cùng với việc được tiếp cận với các hoạt động nhằm phát triển tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh, công ty sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng. Đồng thời từng bước nâng cao hơn nữa giá trị rừng trồng, rừng tự nhiên trong việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

z4994993860905_b7dd6cf78025c53c9feb6cf483234f43.jpg
Bình Thuận và tiềm năng khai thác carbon rừng.

Thúc đẩy phát triển tín chỉ carbon

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối năm 2023, Việt Nam đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về hơn 1.250 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước, bao gồm các vấn đề về khung pháp luật, năng lực và cơ sở hạ tầng thương mại tín chỉ carbon. Thị trường carbon phát triển mở ra cơ hội tạo nguồn lực tài chính bổ sung cho lâm nghiệp thông qua các cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon. Được biết thời gian qua, khu vực Bắc Trung bộ bán tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tấn CO2. Riêng tỉnh Quảng Trị rao bán tín chỉ carbon rừng được cấp chứng nhận FSC và hiện đang đàm phán với 1 doanh nghiệp ở Hà Lan với giá 10 USD/tấn CO2.

z5026244278144_0f8424a756edef11965e9badec5c3ee7.jpg
Quản lý, bảo vệ rừng.

Tại Bình Thuận, dù còn khá mới mẻ, nhưng các nội dung thảo luận tại hội thảo về “tín chỉ carbon rừng – cơ hội và thách thức” diễn ra tại TP. Phan Thiết vừa qua, với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã “mở đường” thông tin rõ ràng hơn về khái niệm này. Theo đó, tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Một số lợi ích carbon chính từ rừng mang lại là giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng trữ carbon trong thân, cành, lá, rễ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học….

Cũng tại hội thảo này, ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều đợt tập huấn về quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng cho cán bộ lâm nghiệp, địa phương. Qua đó giúp các đơn vị, tổ chức cập nhật được nhiều kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức trong trồng rừng, nhất là vấn đề quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế hoạt động này tại các địa phương, việc triển khai cấp chứng chỉ rừng gặp khó khăn như về trình độ quản lý, nguồn kinh phí thực hiện, khó khăn trong công tác tuyên truyền, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, việc đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển tín chỉ carbon rừng của tỉnh trong thời gian tới.

Từ tiềm năng sẵn có, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục thực hiện tốt quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thông qua các hoạt động trồng rừng, làm giàu rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên… Qua đó kỳ vọng thời gian tới Bình Thuận sẽ khai thác carbon rừng một cách hiệu quả. Việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon rừng còn góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ sống ven rừng và giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

K. Hằng