Nỗi lo tai nạn thương tích tại cộng đồng

Đời sống - Ngày đăng : 05:25, 06/05/2024

Số lượng người bị tai nạn thương tích tại cộng đồng đang là nỗi lo, một vấn đề cần quan tâm; cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật, tàn phế ở mọi lứa tuổi, thậm chí tử vong.

Nhiều người bị tai nạn thương tích

Từ đầu năm 2024 đến nay, số người bị tai nạn thương tích ở Bình Thuận là 7.134 người, thì có 3 trường hợp tử vong. Trong đó, có 4.836 người nam bị tai nạn thương tích, cao hơn so với nữ giới (2.298 người). Tai nạn phân bố theo nghề nghiệp, số nông dân bị tai nạn thương tích trong lao động nông nghiệp là 1.781 người, với học sinh sinh viên 1.165 người; 2.382 người tai nạn thương tích với các nghề khác. Đó là số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

day-boi.jpg
Dạy bơi cho trẻ em phòng tránh đuối nước. Ảnh: N.Lân

Tai nạn thương tích trong cộng đồng gồm tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bị súc vật cắn, đuối nước, bạo lực, xung đột… Nguyên nhân tai nạn thương tích do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ 39,44%, tương ứng 2.814 người; do té ngã chiếm tỷ lệ 15,8%, tương ứng 1.127 người; do tai nạn lao động chiếm tỷ lệ xấp xỉ gần 7% và do bạo lực xung đột cũng có tỷ lệ tương ứng như tai nạn lao động. Theo đó, bộ phận bị thương trên cơ thể ở vùng chi (tay, chân) chiếm tỷ lệ cao nhất 45,15%; ở vùng đầu mặt cổ 28,3%; bị đa chấn thương chiếm tỷ lệ 15,8%; vùng thân 7,5% và còn lại 3,25% ở các bộ phận khác.

Trước đó, năm 2023, toàn tỉnh có 34.953 trường hợp bị tai nạn thương tích trong cộng đồng và 43 trường hợp tử vong. Thông qua những số liệu như đề cập về tình hình tai nạn thương tích tại cộng đồng tỉnh Bình Thuận, đây là nỗi lo, một vấn đề cần quan tâm; là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tàn phế ở mọi lứa tuổi, thậm chí tử vong, đặc biệt ở lứa tuổi lao động. Tai nạn thương tích đang là mối đe dọa cho mỗi gia đình, cộng đồng, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nơi. Chẳng hạn, trong nhà, ngoài đường, trường học, nơi làm việc, nơi sản xuất… khi mọi người chủ quan, bất cẩn và không có biện pháp phòng tránh.

An toàn cộng đồng

Để góp phần nâng cao sức khỏe và an toàn cho người dân, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, 5 mục tiêu trong hoạt động phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng được đề ra. Đó là nâng cao năng lực của ngành y tế; củng cố và nhân rộng các mô hình an toàn - phòng, chống tai nạn, thương tích; nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng, chăm sóc chấn thương trước viện và phục hồi chức năng; nâng cao nhận thức của cộng đồng, sự ủng hộ của chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan, các biện pháp can thiệp hiệu quả; nâng cao năng lực ghi nhận, giám sát, báo cáo nghiên cứu và sử dụng dữ liệu liệu tai nạn thương tích, cũng như đánh giá hiệu quả các chương trình can thiệp.

Bên cạnh đó, các giải pháp can thiệp được triển khai đồng bộ và hiệu quả theo đặc thù của địa phương, ưu tiên các nhóm dễ tổn thương, ưu tiên các nguyên nhân tai nạn thương tích có nguy cơ mắc và tử vong cao. Cùng với đó, là lựa chọn, triển khai các biện pháp can thiệp đã minh chứng tính hiệu quả và tăng cường theo dõi, đánh giá hiệu quả của can thiệp. Dựa trên các hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới, kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt các nước trong khu vực, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua nền tảng trực tuyến, phần mềm online, tài liệu chuyên biệt… các hoạt động, công tác tư vấn, hướng dẫn, giáo dục được chuyển tải đến mọi người trong cộng đồng.

Đáng chú ý, trẻ nhỏ, học sinh, thanh thiếu niên… cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình. Chẳng hạn, phòng tránh lửa, điện, cháy nổ, đuối nước, tai nạn giao thông, phòng tránh bạo lực… Tai nạn thương tích thường bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được. Một khi mọi người trong cộng đồng chủ động phòng ngừa được các loại tai nạn thương tích, thì các yếu tố nguy cơ gây tai nạn và thương tích cũng sẽ được giảm thiểu.

TRANG MINH