Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt

Pháp luật - Ngày đăng : 05:57, 08/05/2024

Trước những hạn chế, bất cập trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, ngày 6/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự giao thông tuyến đường này…

Theo UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, bất cập về vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở, lắp đặt biển báo hiệu, cảnh báo… Những tồn tại, bất cập này cùng với ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, người dân sinh sống dọc ven đường sắt chưa cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông đường sắt.

received_934043380902127.jpeg
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sắt qua huyện Hàm Thuận Nam.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, năm 2023, trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người (nguyên nhân do nạn nhân ngồi và nằm trên đường sắt). Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở, không “đi, đứng, nằm, ngồi” trên đường sắt.

UBND các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ dứt điểm các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt. Đối với các lối đi tự mở đang chờ xóa bỏ, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường để bảo đảm an toàn như bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, thu hẹp chiều rộng, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ giảm tốc cảnh báo. Người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn quản lý theo quy định.

Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt để kiến nghị khắc phục. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt; điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phối hợp tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở nối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt tại các đường ngang có tình hình giao thông phức tạp, có nhiều phương tiện qua lại.

Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh dài gần 175 Km (từ Km 1439+200 thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đến Km1614+128 thuộc xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh) đi qua 6 huyện với 27 xã, 2 thị trấn). Toàn tỉnh có 64 đường ngang (7 đường ngang có người gác, 45 đường ngang có cảnh báo tự động và cần chắn tự động, 12 đường ngang phòng vệ bằng biển báo) và 112 lối đi tự mở.

LÊ PHÚC