Ý chí khởi nghiệp của chàng trai nông thôn
Kinh tế - Ngày đăng : 05:16, 09/05/2024
Biến đam mê thành sự nghiệp
Có niềm đam mê kinh doanh, cộng với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2013 với ý chí và quyết tâm khởi nghiệp, Mẫn thuyết phục gia đình mở đại lý kinh doanh nước uống đóng chai tinh khiết. Việc kinh doanh dần trở thành tình yêu với nghề, Mẫn tìm hiểu nhận thấy địa phương có nguồn nước vào rất tốt, nước đầu ra nhất định sẽ đảm bảo tiêu chuẩn, sản phẩm ra thị trường được chấp nhận. Năm 2016, chàng trai trẻ đã thuyết phục được người thân và gia đình thực hiện ước mơ của mình xây dựng cơ sở dây chuyền sản xuất nước tinh khiết. Có hướng đi hợp lý, tính khả thi cao, ý tưởng của Mẫn được mọi người đồng tình ủng hộ, giúp đỡ nguồn vốn và mua cho mặt bằng. Sau khi lấy mẫu nước đi kiểm tra đạt chuẩn chất lượng, Mẫn xây dựng nhà xưởng, đầu tư hệ thống lọc RO từ Hoa Kỳ với kinh phí ban đầu hơn 1 tỷ đồng.
Với sự tìm tòi, học hỏi cái mới, từ việc lựa chọn ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền lọc nước RO công nghệ hiện đại hiện nay có thể hoạt động tự hành. Nhờ vậy, đã tiết kiệm chi phí nhân sự, nguồn nước đầu vào và điện năng tiêu thụ mà hiệu quả sản xuất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Mẫn cho biết thêm: “Khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất nước sạch đóng bình là súc, rửa bình phải bảo đảm sạch, tiệt trùng. Công đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, nếu súc bình không kỹ thì nước dù đạt chất lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng”. Niềm vui ban đầu của Mẫn là khi cơ sở sản xuất nước HaMy làm ra những thành phẩm đầu tiên, nhưng song hành với nó là nhiều cái khó khăn, thử thách làm sao đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Khâu đóng chai được thực hiện thủ công
Nỗ lực khẳng định chỗ đứng
Giai đoạn đầu do sản phẩm còn mới, ít người biết đến nên còn hoài nghi về chất lượng. Mẫn chia sẻ: “Để làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng đã khó, nhưng tìm được đầu ra còn khó hơn, nhất là với thị trường nông thôn. Với lợi thế là người địa phương, em lặn lội đến gõ cửa từng tiệm tạp hóa, nhà dân, từng khu phố, để giới thiệu, thuyết phục và tặng sản phẩm dùng thử. Nhờ sự kiên trì nhẫn nại, không chùn bước trước khó khăn và tiếp tục nỗ lực công việc giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Sau một thời gian, chất lượng nước uống HaMy của Mẫn từng bước được người tiêu dùng chấp nhận và nhận được nhiều phản hồi tốt. Thị trường tiêu thụ từ đó dần mở rộng hơn, ngoài hộ gia đình sử dụng, hiện nay sản phẩm nước đóng chai nhỏ còn tiêu thụ ở các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 300 bình nước loại bình 20 lít và hàng trăm chai nước đóng chai nước từ 350ml đến 500ml.
Với sự đam mê kinh doanh, Mẫn dám nghĩ dám làm đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mở hướng làm ăn mới ở vùng quê nông thôn và thành công. Cách khởi nghiệp từ xây dựng cơ sở dây chuyền sản xuất nước tinh khiết của thanh niên Mẫn được Huyện đoàn Hàm Thuận Nam đánh giá rất cao. Trong năm 2023, Huyện đoàn đã hỗ trợ Mẫn tiếp cận chương trình vay vốn tín dụng chính sách tạo việc làm với số tiền vay 50 triệu đồng tạo động lực giúp em phát triển thêm mô hình kinh doanh hiệu quả thời gian tới. Để biến ước mơ thành công, làm giàu trên mảnh đất quê hương chàng trai trẻ vẫn đang không ngừng nỗ lực với công việc. Mẫn bật mí, nếu tích lũy được số vốn khá, em sẽ trang bị thêm hệ thống chiết rót, đóng chai tự động. Đồng thời, đầu tư thêm mảng tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thành lập thêm bộ phận sale sản phẩm nước đóng chai nhỏ…
Nguyễn Đình Mẫn hỗ trợ nước uống đóng chai cho chương trình tiếp sức mùa thi.
Hy vọng một ngày không xa bằng uy tín chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh hợp lý của mình, cơ sở nước đóng chai của Mẫn ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương. Ý chí khởi nghiệp thành công của em đang khích lệ, lan tỏa, mở hướng cho nhiều thanh niên nông thôn về quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.