Phát triển sản phẩm OCOP: Ưu tiên sử dụng nguyên liệu địa phương
Kinh tế - Ngày đăng : 14:17, 09/05/2024
Đây cũng là định hướng phát triển theo Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận năm 2024 vừa được UBND tỉnh xây dựng vào đầu tháng này. Trong phát triển sản phẩm OCOP, địa phương hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến hoặc sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến). Đối với sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không triển khai.
Năm nay, Bình Thuận sẽ tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi cũng như hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản nhằm gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định… Cùng với đó xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin cho người tiêu dùng, riêng các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hóa đúng quy định.
Với ý tưởng sản phẩm mới, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế để hướng dẫn chủ thể khởi đầu chu trình bằng việc xây dựng và hoàn thiện ý tưởng sản phẩm mới, hình thành các tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh...). Tiếp nữa là hướng dẫn triển khai chu trình OCOP, đánh giá thị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, sản xuất thử nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm như về nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm. Đồng thời công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất đại trà. Trong khi với các sản phẩm đã có thì UBND cấp huyện hỗ trợ chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng hồ sơ tham gia dự thi đánh giá, phân hạng các cấp… Về nâng cấp, thăng hạng từ 3 sao cần tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng và thế mạnh để hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp lên hạng sao cao hơn, nhất là với sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có gần 130 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, bao gồm: 94 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao… Trong năm 2024, địa phương đặt mục tiêu phát triển mới 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên gắn với kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận. Đồng thời nâng hạng sản phẩm OCOP có tiềm năng, trong đó phấn đấu có 2 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia chấm điểm 5 sao cấp quốc gia.