Tăng quyền và trách nhiệm người đứng đầu

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:02, 10/05/2024

Trong thời gian gần đây, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ đã trở thành một chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông. Đây là một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để lãnh đạo và quản lý các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 142–QĐ–TW, ngày 23/4/2024 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Quy định này quy định về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. Quy định thực hiện thí điểm đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên (đối với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương có quy định riêng). Có thể thấy Quy định bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Người đứng đầu có thể thực hiện hoặc không thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu: Quy định yêu cầu phải bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

Theo các chuyên gia, việc xử lý trách nhiệm của người đề bạt, giới thiệu, bổ nhiệm kể cả khi đã chuyển công tác, nghỉ hưu là điều cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của Đảng, tránh tình trạng "đá đổ đống nát" khi xảy ra sai phạm. Điều này cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, đảm bảo công tâm, khách quan và minh bạch trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Người đứng đầu được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý theo quy định.

Thời gian thực hiện quy định này là 5 năm kể từ ngày ban hành, các mặt ưu, khuyết chưa thể đánh giá được vì chưa có con số cụ thể. Nhưng cái được hiện hữu mà mọi người cảm nhận được là Đảng ta đã nhìn nhận, đánh giá công tác cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là công việc hết sức quan trọng và là khâu then chốt của then chốt. Người đứng đầu sẽ rất thận trọng, cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng hơn nhân sự mình sẽ giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm và tìm được người có đủ năng lực, uy tín, đảm bảo các quy định của Đảng để không chọn nhầm người.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định chặt chẽ, cần có sự giám sát từ các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân để việc thực thi trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ được triệt để. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Tuấn Khôi