Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh tham dự Diễn đàn các nhà lãnh đạo ngành du lịch thế giới lần thứ 3 với chủ đề “Du lịch ẩm thực”
Du lịch - Ngày đăng : 17:00, 11/05/2024
Diễn đàn tập trung thảo luận làm thế nào phát triển du lịch bền vững, gắn với thế mạnh khai thác nền ẩm thực mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ. Tại Diễn đàn, đại biểu đã được nghe các tham luận của các diễn giả từ các quốc gia như Hàn Quốc, Bhutan, Tanzabiar, Việt Nam (tỉnh Bình Thuận) và các tổ chức như Pata, Traveloka, wttc...
Tham luận tại diễn đàn với chủ đề “Gastronomy and Tourism” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cho rằng: Ẩm thực là một trong những lợi thế của mỗi điểm đến cần khai thác để thu hút khách du lịch. Thông qua ẩm thực, khách du lịch có thể hiểu thêm về văn hóa, truyền thống. Theo đó, là Bình Thuận sở hữu lợi thế là một trong 18 vùng nước trồi ven bờ quan trọng và tốt nhất thế giới. Do vậy, hải sản của Bình Thuận luôn có độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng. Xác định đây là một trong những lợi thế then chốt mà không phải nơi nào cũng có được, phát triển ẩm thực gắn với phát triển du lịch, nâng tầm văn hóa ẩm thực bản địa gắn với nâng tầm sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp tối ưu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến tốt nhất mà tỉnh Bình Thuận lựa chọn.
“Ngư dân sau khi trở về từ biển cả thì mang theo những sản vật của biển như tôm, cua, cá, ghẹ… về đất liền và chế biến một cách đơn giản nhất theo phương thức giữ nguyên bản chất của nguyên liệu. Điều này đã giữ được độ tươi, ngon vốn có của hải sản. Cùng với sự phát triển du lịch và sự giao thoa văn hóa, từ những món ăn dân dã mang đậm vẻ mộc mạc trong chế biến, trong phương thức trình bày, trong cách thức thưởng thức món ăn, tôm, cua, cá, mực… đã được phát triển, nâng tầm lên một vị thế mới. Có nhiều nguyên liệu đi kèm hơn, có sự đa dạng, biến hóa hơn trong chế biến, có sự chăm chút hơn trong trình bày để món ăn trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng hơn của du khách”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bình Thuận, xác định phát triển ẩm thực phải gắn với văn hóa làng chài, gắn với bản chất mộc mạc của nguyên liệu. Theo đó, cho dù có thay đổi về hình thức, quy trình trong chế biến, trong vị thế của món ăn từ quán ăn bình dân đến nhà hàng tiêu chuẩn 5 sao là điều cốt lõi để giữ hồn của món ăn. Đây là lợi thế so sánh về tính độc đáo, riêng biệt của điểm đến để giúp du khách có những trải nghiệm đáng nhớ về vùng đất, về con người địa phương. “Sự hoàn hảo, xuất sắc của ẩm thực trong “gastronomy” gắn với phát triển du lịch chính là “đơn giản, khác biệt, chứa đựng đầy hương vị được xây dựng bằng tình cảm, văn hóa đặc trưng của con người, của vùng đất được chứa đựng trong món ăn đó”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng chứng kiến trao văn bản ký kết giữa BTC sự kiện của Hàn Quốc với UN Tourism (Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc) và PATA (Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương).
Cũng trong ngày 10/5, Đoàn Công tác của Bình Thuận tại Hàn Quốc đã làm việc với Trung tâm xúc tiến du lịch Seoul (Hàn Quốc). Lãnh đạo Trung tâm xúc tiến du lịch Seol cho hay: Đây là cơ quan công cộng trực thuộc thủ đô Seoul không nhận sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc tập trung vào các dự án xúc tiến du lịch Seoul tới các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản v.v.... Lần đến thăm và làm việc của đoàn Bình Thuận lần này như một buổi dạm ngõ đánh dấu một tương lai xán lạn trong việc kết nối hợp tác giữa tỉnh Bình Thuận và Tổ chức dụ lịch Hàn Quốc.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Bình Thuận cũng đã đề xuất chia sẻ thông tin về các hoạt động, hội chợ, sự kiện do Hàn Quốc tổ chức nhằm thúc đẩy khách Hàn Quốc đến Bình Thuận cùng phối hợp, hỗ trợ; Đề xuất hỗ trợ giới thiệu, chia sẻ thông tin sản phẩm, điểm đến du lịch Bình Thuận đến thị trường Hàn Quốc thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và trực tuyến; Đề xuất hỗ trợ đặt một số biển quảng bá, tài liệu, ấn phẩm về du lịch Bình Thuận đặt tại các văn phòng xúc tiến, trung tâm du lịch của Hàn Quốc. Đồng thời trao đổi thông tin, khả năng hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Thuận và Seoul trong thời gian tới.