Không gian phát triển mới ven biển Nam Phan Thiết
Xã hội - Ngày đăng : 05:04, 13/05/2024
Không còn sạt lở khu dân cư
Theo quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tổng chiều dài toàn bộ tuyến kè qua bờ biển của 2 phường, xã: Đức Long, Tiến Thành của thành phố Phan Thiết là 6.584 m. Trong đó, Kè bảo vệ bờ biển phường Đức Long (giai đoạn I) dài 1.550 m bắt đầu từ Khu chế biến thủy sản phía Nam Cảng cá Phan Thiết về phía Nam đến thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành; Kè bảo vệ bờ biển xã Tiến Thành (giai đoạn II) nối tiếp với Kè bảo vệ bờ biển phường Đức Long (giai đoạn I) có chiều dài khoảng 5.034 m. Trước đó, năm 1995 - 1996, thành phố Phan Thiết xây dựng xong 1.000/1.550 m kè bảo vệ bờ biển phường Đức Long. Nhưng do kinh phí khó khăn nên mất nhiều năm sau không thể tiếp tục xây dựng kè nối dài theo quy hoạch. Thế nên, những lúc triều cường, con nước xoáy dữ hơn, không chỉ gây xói lở bờ ở khu vực chưa có kè, tiếp tục nuốt đất, nhà cửa nhân dân mà còn uy hiếp đoạn kè xây dựng dở dang.
Trong cảnh ấy, UBND tỉnh kêu gọi xã hội hóa. Sau đó, UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải đầu tư 550 m còn lại của Kè bảo vệ bờ biển phường Đức Long (giai đoạn I). Song song xây dựng thêm 360 m tiếp nối, thuộc thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành. Đồng thời thống nhất chi phí xây dựng 2 đoạn kè này, doanh nghiệp cho ứng trước và tính toán vào chi phí đầu tư dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố Phan Thiết tại Thông báo số 319/ 2017 và Quyết định số 668/2019.
Cuối 2018, UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn 5225 gửi các bộ, ngành Trung ương xin hỗ trợ vốn để tiếp tục đầu tư kè ở đây với quy mô tuyến kè dài 1.000m, có mức vốn dự kiến 84,976 tỷ đồng. Nhưng sau đó, với mức vốn được ghi 30 tỷ đồng nên chỉ cho phép đầu tư được 350 m kè. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và đoạn kè này đã thi công hoàn thành vào tháng 2/2021 tại thôn Tiến Bình. Tính ra trong hành trình gần 10 năm nỗ lực kêu gọi vốn xã hội hóa, tranh thủ vốn hỗ trợ của Trung ương, xây tuyến kè chạy đua với sóng dữ, giành từng căn nhà, tấc đất cho người dân, dù có chuyện này chuyện kia nhưng kết quả cho thấy đã giải quyết được tình trạng sạt lở bờ biển ở đây.
Người dân hiện đang sinh sống tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, những người từng chứng kiến bao nhiêu căn nhà bị biển nuốt nhanh như chớp, cho biết nhờ có 350 m kè ở thôn Tiến Bình ở thế chắn sóng từ phía trên nên khu dân cư hơn 160 hộ của thôn không bị triều cường đe dọa khi vào mùa bấc. Bây giờ đã có bờ kè, dù chưa hoàn chỉnh nhưng không còn sạt lở mất đất, mất nhà như trước, vì vậy, người dân đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nơi mà họ đã được tái định cư sau trận hỏa hoạn từ nhiều năm trước ở cảng Phan Thiết. Nếu dự án nào đó triển khai ở đây thì người dân thiết tha kiến nghị muốn được tái định cư tại chỗ.
Ông Đinh Mãng, Thôn trưởng thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, người đã sống ở đây hơn 30 năm khẳng định, nhờ Trung ương, tỉnh quan tâm xây dựng kè nên giờ khu vực biển này hết sạt lở. Chỉ còn đoạn cuối từ tiếp giáp với tuyến kè 350 m do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đến dốc Campuchia là chưa nên còn sạt lở đất nhưng nghe thông tin sắp tới sẽ làm kè. Đồng thời đường Trần Lê cũng được xây dựng nối với đường Lạc Long Quân nên sẽ tạo điều kiện rất tốt cho người dân trên mọi mặt.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phan Thiết, phác thảo hiện tại của hợp phần kè biển dài 4.500 m này là sẽ xây dựng kè phá sóng ngoài khơi, tiếp đến dùng rạn san hô nhân tạo, đổ cát nuôi bãi để tạo bãi cát tự nhiên, xây dựng bờ biển xanh do Hà Lan tài trợ. Kế bên là kè và phía trong là xây dựng đường Trần Lê nối với đường Lạc Long Quân...
Đoạn cuối quyết định
Nơi tiếp giáp với tuyến kè 350 m do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành không phải là bờ, mà là biển và hình như khá sâu nối dài mênh mông đến dốc Campuchia. Cảm giác ấy, một phần vì kè được xây dựng rất cao so mặt nước biển, phần khác vì màu nước ở đây chia rõ rệt ranh giới trong xanh và đục ngầu, do cát đỏ trên bờ bị hòa vào sóng nước. Hiện tại đoạn này, biển đã ăn sâu vào trong đất liền, thậm chí nuốt mất một số đoạn của đường Trần Lê theo quy hoạch. Bởi đoạn này của tuyến Trần Lê chưa được xây dựng tiếp, chỉ là đường đất nhỏ và có vài nhà dân ở thưa thớt. Nhưng trong thời gian không xa nữa, khi hợp phần kè biển vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) triển khai xây dựng đoạn kè cuối cùng trong quy hoạch tuyến kè phía Nam thành phố Phan Thiết, tức tiếp nối tuyến kè 350 m trên đến dốc Campuchia, dài khoảng 4.500m thì phía trong, chính đường Trần Lê quyết định mở ra một không gian phát triển mới. Như trong báo cáo chủ trương đầu tư Hợp phần kè biển đang trình cơ quan chức năng phê duyệt nhấn mạnh thì đường Trần Lê là đường quản lý, cứu hộ cứu nạn nhằm cải thiện khả năng kết nối của các cộng đồng ngư dân ở xã Tiến Thành với trung tâm thành phố. Con đường này cũng sẽ là lối đi liên tục bên bờ biển cho các khu du lịch ở phía Nam thành phố và bao gồm các cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp du lịch mới.
Trong tháng 4/2024, UBND tỉnh đã có cuộc họp với đoàn công tác của ADB, bàn bạc và thống nhất các nội dung để xúc tiến đầu tư các hợp phần, trong đó có Hợp phần Kè biển kết hợp đường quản lý, cứu hộ cứu nạn dọc đường Trần Lê chống xói lở, xâm thực ven biển. Theo đó, phạm vi nghiên cứu từ cảng cá Phan Thiết đến Khu du lịch nghỉ dưỡng NovaWorld Phan Thiet, tập trung vào các phương án kỹ thuật khác nhau để đạt được các biện pháp bảo vệ bờ biển bền vững, bảo đảm đạt 3 mục tiêu. Cụ thể, áp dụng các biện pháp bảo vệ bờ biển sinh thái kết hợp kè cứng chống xói lở, xâm thực bờ biển phường Đức Long, xã Tiến Thành; xây dựng tuyến đường quản lý kè biển, kết hợp cứu hộ cứu nạn, đồng thời giúp người dân, du khách tại phường Đức Long, xã Tiến Thành tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh kế ở trung tâm thành phố và bảo tồn bãi biển phục vụ du lịch, nghề biển cho người dân và khu du lịch.
Thông tin kè biển sẽ được xây dựng kéo dài đến dốc Campuchia đã khiến nhân dân ở đây hân hoan và hy vọng. Họ mơ đến chuyện an cư lạc nghiệp, mơ đến tuyến đường hiện đại Trần Lê chạy dọc bờ biển nối phường Đức Long với tuyến đường tỉnh lộ 719 qua xã Tiến Thành về La Gi. Từ đây, mở ra một không gian phát triển đầy triển vọng cho phía Nam thành phố Phan Thiết.
Ở diễn biến khác, cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Phan Thiết lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh đoạn kè 360 m, đoạn đã đưa ra khỏi dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long, thành phố Phan Thiết của Công ty Trường Phúc Hải. Theo đó, đoạn kè sẽ được thực hiện hoàn chỉnh vào cuối giai đoạn 2021 – 2025 và chuyển sang giai đoạn 2026 – 2030 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.