Thách thức của ngành thư viện thời công nghệ số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:05, 14/05/2024

Thời đại của công nghệ số đã ảnh hưởng đến các ngành nghề, lĩnh vực đời sống. Điều này đã tạo ra sự khác biệt, nâng cao tốc độ phát triển sản xuất, xã hội, phá bỏ các cách thức truyền thống như trước đây. Ngành thư viện cũng không ngoại lệ, đối mặt với thời công nghệ số chỉ có 2 lựa chọn: “Thay đổi để thích nghi” hoặc “đứng im chấp nhận tụt hậu”.

Quảng bá thương hiệu từ những chuyến xe

Hiện nay lượng người chủ động tìm đến thư viện và đọc sách một cách truyền thống rất ít. Chỉ cần một thiết bị thông minh, người dùng xem như sở hữu trong tay một “thư viện di động” vừa giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Nhận thấy sự yếu thế của thư viện truyền thống, thay vì chờ người đọc tìm đến, nhiều năm qua Thư viện tỉnh Bình Thuận đã tổ chức các chuyến xe thư viện lưu động đi đến khắp nơi trong tỉnh. Với phương châm “sách đi tìm người”, trong kế hoạch xây dựng hàng năm, thư viện luôn nhắm tới đối tượng là học sinh, trong đó ưu tiên các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

2.jpg
Người đọc tra cứu dữ liệu trực tuyến tại Thư viện tỉnh Bình Thuận.

Xe thư viện lưu động được thiết kế theo mô hình đa phương tiện không chỉ đem đến cho học sinh những quyển sách mà còn kết hợp với chương trình khoa học vui, kỹ năng sống, thi trắc nghiệm trên máy tính, thi chỉ số cảm xúc… Với mục đích khơi gợi niềm yêu thích đọc sách và hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng học sinh. Bà Nguyễn Thái Ngọc Hân – cán bộ phụ trách xe Thư viện lưu động, Thư viện tỉnh Bình Thuận cho biết, so với mô hình thư viện truyền thống, điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách ngay tại trường trong một không gian mở cùng với các trò chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách. Đặc biệt, mô hình này đưa học sinh nông thôn tiếp cận nhiều hơn với sách, giúp khắc phục khó khăn của hệ thống thư viện cơ sở.

Qua 5 năm triển khai, với hàng trăm chuyến xe thư viện lưu động đã nhận được sự quan tâm sôi nổi từ các học sinh trên địa bàn tỉnh, sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám hiệu, thầy cô các trường tiểu học, trung học cơ sở và sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo. Đây là cách làm truyền thống kết hợp với công nghệ, cũng được xem là cách để quảng bá hình ảnh của thư viện được phủ sóng trên diện rộng.

Từng bước chuyển đổi số để thích ứng

Nhận định được xu thế và lên ý tưởng từ năm 2020, phải đến những năm gần đây, Thư viện tỉnh Bình Thuận mới tập trung giới thiệu sách trên trang Facebook có tên “Thư viện tỉnh Bình Thuận”, song song là các nền tảng Youtube, Zalo. Cũng từ trang Facebook, mọi thắc mắc của độc giả cũng được phản hồi một cách nhanh chóng và chính xác. Từ đó giúp độc giả kịp thời trao đổi và nắm bắt thông tin, lịch phục vụ của thư viện cũng như các phương thức làm thẻ thư viện, mượn tài liệu về nhà và trả tài liệu.

hghg.jpg
Người đọc sách theo phương thức truyền thống tại Thư viện tỉnh.

Tuy nhiên, về lâu dài để tồn tại và phát triển thì chuyển đổi số vẫn là quan trọng nhất. Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số đối với ngành thư viện nói riêng đều có điểm chung là thay đổi cách thức thực hiện, từ thủ công sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trong đó tin học hóa sẽ giữ vai trò chủ đạo, nhờ có mạng thông tin, kết nối liên kết các máy lại với nhau giúp cho hoạt động của thư viện diễn ra thuận lợi. Ông Trần Văn Bé – Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Thuận cho biết, Thư viện tỉnh có lợi thế về cơ sở hạ tầng mới được đưa vào sử dụng, khung cảnh thông thoáng đã tạo ra một không gian mở yên tĩnh cho người đọc. Đồng thời các phòng chức năng được đầu tư thiết bị, máy tính mới. Với lợi thế cơ sở hạ tầng như vậy là điều kiện để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, máy chủ, máy trạm, hoàn chỉnh phòng tra cứu, khai thác thông tin. Thư viện cũng đã tạo kho dữ liệu số tích hợp khoảng 30.000 đầu sách. Số lượng người dùng sử dụng các dịch vụ trực tuyến của thư viện ngày càng chiếm tỷ lệ lớn.

Ngành thư viện tỉnh hướng tới mục tiêu đưa thư viện dần trở thành trung tâm thông tin, môi trường tự học, tự nghiên cứu dành cho mọi đối tượng người đọc, do đó chuyển đổi số chỉ thành công khi kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố như: cơ chế, nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư… Dù vậy, theo ông Trần Văn Bé, hệ thống thư viện cấp huyện lại khó hội tụ đủ các yếu tố được nêu ra. Thư viện cấp huyện hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: Số lượng người phụ trách ít, không đủ lực để tổ chức được hết các hoạt động chuyên môn; nguồn kinh phí hạn hẹp, trong khi trụ sở, trang thiết bị, không gian không đủ rộng để tổ chức các hoạt động. Và cuối cùng là vốn sách ít, dẫn đến người đọc không quay lại khi không tìm được sách theo ý muốn.

Trước kia, thư viện cấp huyện vẫn còn hoạt động quản lý tài liệu theo phương thức truyền thống là quản lý và lưu trữ trên giấy tờ, sổ sách; mặt khác cán bộ thư viện chưa tiếp cận nhiều về công nghệ thông tin nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động. Đến nay Thư viện tỉnh đã hỗ trợ phần mềm quản lý điện tử, bước đầu đã mang lại kết quả đáng kể. Đồng thời đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho hệ thống thư viện cơ sở, chuyển giao công nghệ để có thể vận dụng một cách tốt nhất.

MINH NGHĨA