Bức họa đồng quê
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:05, 17/05/2024
Lâu rồi, từ cái ngày “Chiến tranh vừa chấm dứt”, và “Mùa xuân đầu tiên” ấy… cho đến nay gần nửa thế kỷ đi qua… tôi nhớ lúa. Lúa thì tôi đã thấy trên hình ảnh, trên ti vi, nhưng trực tiếp cầm, nắm, nhìn tận mắt những gié lúa vàng tươi, cong cành trên những đám ruộng no nước như những ngày xưa, thì chưa bao giờ, vì tôi đã xa ruộng đồng rất lâu rồi!
Tôi cũng là thằng bé “bần cố nông” mặc chiếc quần xà lỏn rách bươm, ở trần lẽo đẽo theo sau mẹ gặt ở phía trước… để mót lúa. Mót lúa, ngày ấy cũng là một cái nghề lương thiện, đã làm nên những “thương hiệu” như ông Hai Mót, chị Tư Mót. Những bó lúa chất đầy đồng, không người trông coi, vậy mà dân mót lúa, nghèo chết bỏ, nhưng không bao giờ ăn cắp lúa. (Những đứa trẻ nghèo ngày ấy ở quê nhưng lễ phép, lịch sự, văn hóa… có thừa!).
“Bức họa đồng quê”, một ca khúc của Văn Phụng là một bức tranh gói gọn trong một bài hát, dù không phải là “Trường ca”, nhưng cũng… hơi dài hơn những bài hát bình thường khác.
“Bức họa đồng quê” nếu đem so sánh, chắc nó cũng có khổ lớn như bức tranh Panorana tái hiện lịch sử trận đánh Điện Biên Phủ?
“Bức họa đồng quê” là một bài mang giai điệu cha cha cha đứng đầu cha cha cha Việt Nam, và cũng là một ca khúc viết về lúa số một Việt Nam?
Một bức tranh mà nhạc sĩ Văn Phụng vẽ bằng âm nhạc, bằng những trường canh, bằng những nốt nhạc thánh thoát, cao thấp, những cung bậc được đánh dấu bằng cách tô vẽ những gam màu một cách hài hòa, dàn trải trên cánh đồng lúa Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng như một họa sĩ kỳ tài:
Trời xanh - Mây trắng - Tia nắng - Đàn chim - Tiếng hát - Thôn nữ - Du khách-Chàng trai - Em bé - lúa vàng.
Đây là những màu sắc đan xen nhau, lung linh hình ảnh trên những cánh đồng lúa miền Nam của thời khói lửa…
Người nghe lại rất lý thú, khi thấy nhạc sĩ Văn Phụng dùng những “điệp ngữ” rất có nghề:
Xanh - xanh, Trắng - trắng, Chim - chim, Xa - xa, Thoáng - thoáng, Tang - tang, Tính - tính, Xay - xay, Giã - giã…
Gamme Ré Trưởng, mở đầu là “Trời xanh” (Là, Re), kết thúc “Hò lơ” (La Ré): “… Trời xanh xanh bao la/ Mây trắng trắng xóa/ Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng/ Đàn chim chim non/ Đang ríu rít rít hót/ Tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà/ Từ xa xa xa/ Nghe thoáng thoáng tiếng hát/ Thôn nữ bên đồng lúa ca lời mơ màng/ Tình tang tang tang tang/ Tang tính tính tính tính/ Du khách nâng nhẹ phím buông nhẹ tơ vàng…/ Hỡi nắng hãy nắng lên/ Để đồng xanh tươi thắm hơn/ Hỡi gió hãy gió lên/ Để đồng xanh tươi mát hơn…”.
Sau khi gọi nắng, gọi gió, rồi đến một khúc “liên ba, liên tư” như thúc giục:
“…Thôn-quê-hân-hoan-mừng-ngày-mùa-sang-/Người-người-hò-vang-đàn-hòa-tình-tang-/ Nhịp-nhàng-vẳng-xa… / Mì-Pha-Sol-Sol-Lá…” (Tiếng đàn).
Trong “Bức họa đồng quê” xuất hiện một nhân vật nhỏ bé nhưng rất quan trọng, đã làm bức tranh có nét chấm phá, sinh động:
-Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng…
Em bé cắn lúa, và “Bức họa đồng quê” bây giờ đã là dĩ vãng rồi! Những hình ảnh ấy, nay chỉ còn lại trong “Bức họa đồng quê”.