Thủy sản đóng góp tiềm năng đáng kể cho nền kinh tế

Xã hội - Ngày đăng : 10:53, 17/05/2024

Ngành Thuỷ sản cả nước nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là một trong những lĩnh vực đóng góp lớn vào tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia và cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động. Đồng thời còn là ngành mũi nhọn của cả nước, thủy sản đóng góp tiềm năng đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam cũng như dịch vụ logistics toàn cầu.

Đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh

Tỉnh Bình Thuận có nguồn lợi thủy sản khá phong phú về chủng loại, được xếp vào một trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước. Sự phong phú về nguồn lợi thủy sản của tỉnh gắn với hiện tượng đặc trưng “nước trồi” ở vùng biển Nam Trung bộ có tác động tích cực đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật, tập trung nhiều loài hải sản vùng nhiệt đới tạo nên sự phong phú cho quần thể sinh vật biển. Do tiếp giáp liên thông với các ngư trường lớn của cả nước nên Bình Thuận có lợi thế phát triển khai thác hải sản trên các vùng biển khơi, xa bờ. Bên cạnh đó, với đặc thù không có sông lớn đổ ra biển, độ mặn ít biến động, chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định …là điều kiện quan trọng tạo nên lợi thế phát triển nghề sản xuất tôm giống và hải sản trên biển. Với lợi thế trên, tỉnh Bình Thuận được đánh giá là một tỉnh có số lượng tàu khai thác hải sản lớn của cả nước. Kinh tế thủy sản của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng về chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thủy sản của vùng và cả nước, phù hợp tiềm năng và lợi thế của địa phương. Chính vì thế đã đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh. Về sản lượng khai thác, tình hình khai thác thủy sản biển trong năm tương đối thuận lợi, phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Chính vì thế, trong năm 2023, sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đạt 234.661,5 tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh được đảm bảo và duy trì tốt. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2023 đạt 3.002,7 ha. Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2023 trong khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 2,04%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

dsc_0073.jpg

Phát triển bền vững ngành thuỷ sản

Để đẩy mạnh công tác chống khai thác về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa có Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024.

Đồng thời duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế. Nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5/2024 là nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU. Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

cang-ca-la-gi-anh-ngoc-lan-3-.jpg

Nhiệm vụ, giải pháp dài hạn là khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu. Có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế. Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững. Rà soát, nghiên cứu, tham mưu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với Chi cục trưởng các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản hoặc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm ngư theo quy định pháp luật trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo cơ quan chức năng có liên quan đủ thẩm quyền thực thi pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó đầu tư nguồn lực nhà nước, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản. Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, bảo đảm công cụ, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện công tác chống khai thác IUU. Ngoài ra, thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân, đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phát triển ngành thuỷ sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan. Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam, đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. Triển khai thực hiện các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PHAN LIÊN