Làm rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm để có giải pháp khắc phục
Xã hội - Ngày đăng : 18:31, 21/05/2024
Tại điểm cầu Bình Thuận, có sự tham dự của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế và đại diện một số sở, ngành có liên quan.
5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 2.138 người bị ngộ độc, tăng 1.432 người so với cùng kỳ 2023; trong đó có 6 ca tử vong. Một số vụ ngộ độc lớn xảy ra như hộ kinh doanh bánh mì tại Sóc Trăng khiến 150 người nhập viện; quán cơm gà tại Khánh Hoà khiến 369 người nhập viện; tiệm bánh mì tại Đồng Nai khiến gần 550 người nhập viện; bếp ăn Công ty TNHH Shinwon Ebenezer khiến 438 người nhập viện.
Theo kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc, nguyên nhân các vụ việc trên do việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một số bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên; bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình triển khai các quy định của pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, đại diện Bộ Công thương báo cáo kết quả thực hiện việc kiểm soát thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động vật, thực vật 5 tháng đầu năm 2024.
Các đại biểu bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, phân tích về những nguyên nhân khách quan, chủ quan; tình hình hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các địa phương và chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các cấp, ngành cần xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ chung . Một số vụ việc ngộ độc xảy ra gần đây, cần nhận diện rõ các nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; rà soát lại quy chế làm việc của ban chỉ đạo và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành thành viên; bám sát các văn bản của Trung ương để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, là thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận, không đủ các điều kiện được phép hoạt động. Tổ chức tập huấn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, chế biến. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo không xảy ra tình trạng thu gom nguyên liệu trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm…