Chú trọng bộ nhận diện sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 23/05/2024

Hiện nay các nhãn hiệu tập thể chỉ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (nhãn hiệu tập thể mang địa danh) đang ngày càng trở thành lại tài sản trí tuệ có giá trị, bởi nó có khả năng trở thành công cụ kiểm soát, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho mỗi địa phương, nhất là với khu vực nông nghiệp nông thôn.

Việc phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) không chỉ đơn thuần là xác định, công nhận danh tiếng, tính đặc thù, bí quyết truyền thống, sự ổn định chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi xây dựng, duy trì hệ thống kiểm soát, xác nhận chất lượng, quản lý sử dụng, nhằm đảm bảo duy trì chất lượng, uy tín, danh tiếng vốn có của sản phẩm mang NHTT. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Trung tâm) Bình Thuận cho hay, sau khi NHTT được đăng ký bảo hộ, để đảm bảo chất lượng sản phẩm mang NHTT, cần thiết phải xây dựng, triển khai hoạt động quản lý việc sử dụng NHTT, trong đó có quản lý chất lượng sản phẩm. Trước tiên, NHTT xác nhận chủ thể quản lý qua hai hình thức: tổ chức tập thể (hội, hiệp hội, HTX…); như HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú chủ thể nhãn hiệu quả táo, thanh long tại địa phương này. Các cơ quan được UBND cấp huyện trao quyền quản lý NHTT (phòng kinh tế, phòng kinh tế & hạ tầng, phòng nông nghiệp & PTNT, trung tâm kỹ thuật & dịch vụ nông nghiệp…); như Hội Nông dân xã Thắng Hải chủ thể sản phẩm “Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải - Hàm Tân”.

img_3366.jpg
"Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải- Hàm Tân" do Hội Nông dân xã Thắng Hải làm chủ thể sản phẩm
img_8466.jpg
 Sầu riêng Đa Kai được thiết kế tem nhãn và bao bì

Đồng thời để thiết lập hệ thống quản lý NHTT cần thiết kế mô hình quản lý, thông qua tự kiểm soát, kiểm soát nội bộ, kiểm soát bên ngoài, quản lý về chỉ dẫn địa lý; thiết kế mô hình tổng thể hệ thống các cơ quan tham gia quản lý NHTT. Cùng đó xây dựng hệ thống quản lý NHTT, thông qua phương án quản lý, vận hành hệ thống NHTT, triển khai các quy trình quản lý NHTT như kiểm tra chất lượng sản phẩm mang NHTT áp dụng cho các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng NHTT; quy trình kiểm tra, xác nhận lô sản phẩm đủ điều kiện mang NHTT áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

p1050413.jpg
 Dán nhãn cho thanh long.

Ông Nguyễn Quang Thịnh nhấn mạnh rằng, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP mang NHTT phải được chủ thể chú trọng bộ nhận diện, liên quan đến logo, tem nhãn, bao bì, bảng hiệu, pa nô… tích hợp trong đó, làm sản phẩm nổi bật, thu hút khách hàng lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý (nước mắm Phan Thiết…). Trung tâm đang thực hiện hỗ trợ 7 HTX trong tỉnh phát triển NHTT, thiết kế bộ nhận diện, thông qua đề tài Xây dựng mô hình quản lý, phát triển cho các sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Trong đó có Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Thành Thành Công; Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Sen Núi (Đức Linh); HTX Thuận Minh Phát; HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát; HTX Thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú (Tuy Phong) với bộ nhận diện “Bao bì nông nghiệp Phong Phú” dành cho táo, thanh long… Trước đó, Trung tâm đã hỗ trợ làm “Mẫu thiết kế tem nhãn & bao bì sầu riêng Đa Kai”, huyện Đức Linh.

Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng lưu ý, các HTX trong tỉnh có nhu cầu đăng ký NHTT, sản phẩm OCOP, bộ nhận diện... có thể liên hệ UBND các huyện, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận để được hỗ trợ một phần thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm.

Thái Khoa