Ông Bùi Xuân Chỉnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận: Năm 2020 sẽ đẩy mạnh cho vay các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 10:42, 03/02/2020
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa |
Thưa ông, tình hình hoạt động ngành ngân hàng năm 2019 như thế nào, có nét gì nổi bật?
Năm 2019, ngành ngân hàng Bình Thuận đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh triển khai thực hiện, đã đạt những kết quả nổi bật sau: Các đơn vị trong ngành đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, triển khai kịp thời các chính sách tiền tệ tín dụng ngân hàng, tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân trong thực hiện, trong đó đã phối hợp Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam vận hành chính thức Cổng thông tin, cung cấp các giải pháp trên Website và ứng dụng điện thoại thông minh “CIC Credit Connect - Kết nối nhu cầu vay vốn” với nhiều tiện ích để kết nối khách hàng vay vốn với tổ chức tín dụng (TCTD), thông qua đó khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký nhu cầu vay vốn tại các TCTD phù hợp. Tích cực đẩy mạnh huy động để tạo nguồn cho vay, trong đó một số đơn vị đã đưa ra sản phẩm mới như phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn, đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Hội sở chính để phát triển thêm mạng lưới phòng giao dịch, vốn, công nghệ để mở rộng cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại. Thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,5% giảm xuống còn 6%/năm.
Đến 31/12/2019, vốn hoạt động đạt trên 60.000 tỷ đồng, trong đó huy động bằng cách phát hành các giấy tờ có giá đạt 592 tỷ đồng, vốn hỗ trợ từ Hội sở chính 12.015 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 58.984 tỷ đồng tăng 27,13%, trong đó tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 46,3%, cao hơn so năm trước. Trong đầu tư cho vay, các đơn vị tiếp tục phân bổ vốn vào các lĩnh vực ưu tiên (dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 32.705 tỷ đồng, tăng 28,7%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 13.512 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cuối năm trước), đồng thời chủ động tiếp cận các đối tác, khách hàng để triển khai thực hiện các cam kết tín dụng đã ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 và 2019, nhất là các dự án năng lượng sạch (dư nợ đạt 1.221 tỷ đồng), dự án nông nghiệp công nghệ cao (dư nợ 326 tỷ đồng), từng bước khai thác thế mạnh tiềm năng kinh tế địa phương.
Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, các đơn vị trong ngành đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế tín dụng đen theo chỉ đạo của ngành và địa phương. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ vay, đồng thời nâng thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo lên 120 tháng. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó đã tích cực triển khai, bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ về thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Trong năm 2019, có 74.598 giao dịch nộp thuế được thực hiện qua ngân hàng với số tiền là 5.126 tỷ đồng.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận sẽ triển khai những nhiệm vụ gì để giữ ổn định sự phát triển tín dụng trên địa bàn?
Ông Bùi Xuân Chỉnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận. |
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, trên cơ sở Chỉ thị 01 ngày 3/1/2020, Nghị quyết 106 ngày 23/12/2019 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, NHNN tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng. Đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng cho vay gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, trong đó: Tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách tín dụng của Trung ương, địa phương, trong đó đẩy mạnh cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Quyết định 34 ngày 18/12/2019 của Thủ tướng; đồng thời quan tâm thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong SXKD. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Hội sở chính về vốn, thẩm định cho vay các dự án lớn, sử dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng sạch gắn với triển khai thực hiện các cam kết đã ký kết về đầu tư cho vay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, 2019 của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp mở rộng tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn theo Kế hoạch số 183 của UBND tỉnh và Kế hoạch 732 ngày 16/7/2019 của NHNN Bình Thuận.
Tổ chức triển khai công tác thanh tra, giám sát, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tín dụng. Triển khai tích cực, đầy đủ các nhiệm vụ về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính...
Xin cám ơn ông!
Trần Thi (thực hiện)