Chuyện quản lý vỉa hè ở một thành phố du lịch

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 07:49, 24/05/2024

BTO- Quản lý vỉa hè ở một đô thị đã khó, quản lý vỉa hè ở một thành phố du lịch càng khó khăn hơn. Bởi vì lượng khách đến (cùng các loại phương tiện) trong một năm có khi đông gấp hàng chục lần cư dân của thành phố ấy.

Chưa kể khách đông thì hàng quán ăn uống, các loại dịch vụ, mua bán, kinh doanh cũng mở ra rất nhộn nhịp, hoạt động suốt ngày đêm, chiếm dụng cả lòng đường, vỉa hè để buôn bán, để xe, phục vụ nhu cầu của khách.

tp-hcm-thu-phi-su-dung-long-duong-via-he-tu-1-9.jpg
Tại TP.HCM, tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định. (Ảnh minh họa)

Thành phố Phan Thiết hàng chục năm qua đã nhiều lần ra quân rầm rộ, phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đầy quyết tâm, quyết liệt và khí thế. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn đường thông hè thoáng, khi vắng bóng lực lượng chức năng, thì hoạt động lấn chiếm vỉa hè “đâu lại vào đó”.

Các tuyến đường du lịch nhộn nhịp như: Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng (Hàm Tiến), Thủ khoa Huân, Cao Thắng (Bình Hưng), Nguyễn Hội (Phú Trinh), hay ở nhiều tuyến đường khác như: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Tuyên Quang, Phạm Văn Đồng, Trưng Trắc… hầu hết hộ dân mặt tiền đều kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ. Việc quản lý vỉa hè ở những tuyến đường này thực sự là một “cuộc chiến” chưa có hồi kết.

Từ khi UBND tỉnh có chủ trương thu phí vỉa hè, lề đường (năm 2020), với việc ban hành danh mục các tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có thu phí… Thành phố phan Thiết đã triển khai thực hiện thí điểm, đến nay có 16 tuyến đường được phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè, có 338 giấy phép được cấp, với số tiền thu được 1,8 tỷ đồng. Mặt khác, trật tự đô thị tại các tuyến đường này đã chuyển biến, ô tô, xe máy đậu ngay hàng thẳng lối trong vạch kẻ đường, giữ được mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông, nhất là những ngày cao điểm lễ - tết. Hiệu quả bước đầu của việc thí điểm thu phí vỉa hè, lề đường ở Phan Thiết là tiền đề để nhân rộng ra các địa phương khác.

screenshot_1716512188.png
Đường Ba Tháng Hai (quận 10) đã được kẻ vạch, nhiều cửa hàng sắp xếp xe máy gọn gàng, chừa lối đi phục vụ người đi bộ.

Nhìn rộng ra cả nước, TP. Hồ Chí Minh trong “cái khó ló cái khôn”, từ tháng 5/2024 có 11 tuyến đường có vỉa hè rộng ở quận 1 đã thí điểm cho sử dụng một phần để kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí. Theo đó vỉa hè phải rộng ít nhất 3 mét, trong đó từ mép đường vào hơn 1 mét có vạch sơn vàng dùng để xe máy, tiếp đó là lối đi bộ khoảng 1,5 mét, phía sát nhà dân có thêm vạch sơn rộng hơn 1 mét để hộ kinh doanh để bàn ghế cho khách ngồi. Giá cho thuê vỉa hè là từ 30.000 - 350.000 đồng/m2/tháng (tùy khu vực), đăng ký qua mạng, thanh toán trực tuyến, trả trước khi sử dụng theo gói 3,6,9,12 tháng rất tiện lợi.

Các hộ kinh doanh ở các tuyến phố lớn rất ủng hộ, dù phải bỏ ra một khoản chi phí, nhưng yên tâm hơn vì không lo chạy, bị đuổi rượt, phải dọn bàn ghế ra vô liên tục. Nhiều hộ kinh doanh ăn uống cho biết: tuy đã bố trí bàn ghế trong nhà, nhưng nhiều du khách (kể cả khách nước ngoài) lại thích ngồi ngoài, vì có thú riêng, được trải nghiệm, ngắm cảnh người xe qua lại nhộn nhịp. Sau một thời gian ngắn thí điểm cho thuê vỉa hè, nhiều tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh đã trở nên ngăn nắp, trật tự hơn xưa, xe cộ, hàng quán sắp xếp ngay ngắn, không lộn xộn, bừa bãi, cản trở người đi bộ như trước.

Vỉa hè ở nhiều tuyến đường TP. Phan Thiết đang được cải tạo, lát đá, chỉnh trang sạch đẹp xứng tầm thành phố du lịch. Trong đó vỉa hè ở nhiều tuyến đường khá rộng rãi, đủ điều kiện cho thuê sử dụng một phần để kinh doanh, dịch vụ, mua bán có thu phí (như ở TP Hồ Chí Minh đang làm). Nghĩa là chấp nhận vỉa hè đa năng, vừa có một phần dành cho người đi bộ, một phần giúp cho dân chúng mưu sinh, đồng thời góp phần phát triển kinh doanh - dịch vụ cho thành phố du lịch. Nhất là giảm bớt “gánh nặng” cho cả người dân và chính quyền.

Khôi Nguyên