Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 10:27, 25/05/2024

BTO-Sáng 23/5/2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15 (gồm các Đoàn: Bình Thuận, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Phước). Tại buổi thảo luận, ông Đặng Hồng Sỹ - Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tham gia góp ý vào dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

8a95e7595f478bd3ff2369d6fa6f8c9e.jpg
Ông Đặng Hồng Sỹ - Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tham gia góp ý

Kết quả khả quan…

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ thống nhất, đồng tình cao với dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2023 (bổ sung) và những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ, cũng như các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trong điều kiện bối cảnh trong nước, thế giới và khu vực còn rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng trong năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng, nổi bật như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05% (cao hơn một số nước trong khu vực và thế giới); thu ngân sách đạt hơn 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự đoán; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 681,1 tỷ USD, xuất siêu đạt khoảng 28,35 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công trên 93%. Đặc biệt, đưa vào vận hành khai thác các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam tạo điều kiện phát triển kinh tế rất tốt; các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo tiếp tục được quan tâm; an ninh quốc phòng được giữ vững và các kết quả đạt được trong báo cáo đã nêu cụ thể.

Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nổi lên như: Tốc độ kinh tế không đạt mục tiêu, chỉ đạt 5,05/6,5%, trong khi đó mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 chúng ta phải đạt 6,5% đến 7%, như vậy có khả năng trong giai đoạn này chúng ta không đạt mục tiêu của giai đoạn (do năm 2021 đạt 2,56%, 2022 đạt 8,12%). Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, muốn đạt mục tiêu đề ra 6,5% của giai đoạn, trong năm 2024 và năm 2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt 8,5%; GDP bình quân đầu người cũng chưa đạt như mục tiêu (chỉ mới đạt 4.284 USD/4.400 USD so với tiêu đề ra).

Mặc dù các chỉ tiêu thu ngân sách tăng, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn đến không có đơn hàng, cắt giảm lao động, từ đó tình trạng thất nghiệp cũng gia tăng; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần không những không giảm mà còn tăng thêm.
Đặc biệt, tình trạng thất nghiệp trong khu công nghiệp tăng. Riêng nông nghiệp, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 nhìn chung có nhiều khởi sắc hơn do giá cả nông sản tương đối ổn định và nhiều mặt hàng tăng; điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn, mặc dù ngân hàng giảm lãi suất, nhưng vẫn còn cao, bên cạnh đó, điều kiện để ngân hàng cho vay cẩn trọng, chặt chẽ hơn… do đó việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp rất khó.

Theo số liệu báo cáo cho thấy, trong năm 2023, có 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và những tháng đầu năm 2024 có 86 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 12,2% so với năm 2023); từ đó, chúng ta cũng cần phải phân tích nguyên nhân vì sao, mặc dù lãi suất ngân hàng giảm nhưng doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn còn rất khó khăn, nhưng theo báo cáo thì các ngân hàng thương mại lãi rất lớn… Do đó, chúng ta cần phải phân tích, làm rõ thêm.
Một vấn đề nữa là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, mặc dù Chính phủ tích cực chỉ đạo để tháo gỡ, thành lập các tổ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các dự án lớn trong cả nước nhưng chuyển biến vẫn chưa nhiều, trong đó vướng mắc lớn nhất là cách tính giá đất hiện nay, mặc dù nghị định cũng đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng gần như các địa phương không tính được giá đất để giao cho các dự án và để thực hiện các bước tiếp theo.

Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, thực tế không chỉ vướng ở góc độ quản lý nhà nước mà ngay cả việc tìm các công ty thẩm định giá cũng rất khó, các đơn vị thẩm định giá (đang thực hiện việc thẩm định giá các dự án) cũng  gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều đơn vị này xin rút không thẩm định giá nữa (không đề nghị hoàn trả các chi phí đã bỏ ra). Vấn đề này đã được thảo luận nhiều nhưng cả năm nay chưa thực hiện được, dẫn đến hệ quả là lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu ngân sách.

Một vấn đề nữa đó là mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có tăng nhưng nhìn chung đời sống của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trong những tháng đầu năm 2024, người dân ở khu vực Miền trung, Tây nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long phải đổi mặt với hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt dẫn đến nhiều cây trồng bị chết, tình trạng này cũng diễn ra ở một số địa phương (kể cả một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận).
Một vấn đề khác khắc phục cũng rất chậm mà trong báo cáo có nêu là một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm vì sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, vậy nguyên nhân vì đâu mà chúng ta khắc phục không được. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng rất tích cực chỉ đạo việc này nhưng vẫn không khắc phục được mà càng ngày càng khó. Trong điều kiện chúng ta đã ban hành Nghị định 73 để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhưng gần như các địa phương triển khai chưa đạt kết quả, vậy nguyên nhân vì đâu? Chúng ta cần làm rõ, để tránh khó khăn còn khó khăn hơn.

Cần có giải pháp căn cơ từ Chính phủ và Quốc hội

Từ những thuận lợi và khó khăn chung của nền kinh tế, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề xuất cần tập trung quan tâm vào một số giải pháp sau: Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó cần phải có sự vào cuộc của Quốc hội. Để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, nếu Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn ban hành kịp thời và đủ điều kiện thì nên áp dụng sớm từ ngày 1/7/2024 và trong đó cần quan tâm hướng dẫn việc tính giá đất dễ thực hiện, để cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị tham mưu công tác này thuận tiện trong cách làm. Thực tế bây giờ khi vụ việc xảy ra, gần như các cơ quan vào cuộc điều tra, thanh tra thì thành phần trong Hội đồng giá, thậm chí Tổ giúp việc của Hội đồng giá cũng đang vào diện xem xét để điều tra và trong đó có một số đã bị bắt giam rồi, và theo quy định hiện hành thì phải có công ty tư vấn làm, công ty tư vấn phải đi khảo sát, đi lấy số liệu, còn Hội đồng giá chỉ thẩm định lại xem trình tự, thủ tục có đúng quy định không, Chủ tịch hội đồng và các thành viên hội đồng không có kỹ năng, chuyên môn về thẩm định giá mà chỉ căn cứ trên số liệu, báo cáo thống kê, tổng hợp của đơn vị tư vấn thẩm định giá, nhưng khi xảy ra sai sót trong thẩm định giá thì quy hết trách nhiệm cho các thành viên thẩm định giá.
Liên quan đến vấn đề này, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vừa qua, cơ quan điều tra của Bộ Công an chỉ mới điều tra, khởi tố hai vụ án ở giai đoạn một mà đã khởi tố, bắt tạm giam rất nhiều cán bộ trong hội đồng thẩm định giá (trong đó có nhiều cán bộ là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh), thậm chí các đồng chí trong Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng thẩm định giá chỉ soạn thảo văn bản, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho Hội đồng thuộc diện đang bị điều tra… từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất. Do đó, nếu không hướng dẫn đầy đủ, sâu kỹ các quy định của Luật Đất đai thì rất khó khắc phục được việc đình trễ cho những năm tiếp theo. Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp là cần có chính sách giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ tiền vay và khoanh nợ, giảm tiền thuế cho doanh nghiệp.

Khắc phục tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ công chức, vấn đề này như đại biểu Sỹ đã nói: Thủ tướng Chính phủ đã có bốn công điện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tích cực chỉ đạo nhưng chưa tạo được sự chuyển biến, vậy nguyên nhân vì sao? Đại biểu Sỹ đặt vấn đề: “Phải chăng do trong quá trình đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, chúng ta đã vào cuộc, đạt hiệu quả rất tốt, nhưng đi đôi với đó dẫn đến một số cán bộ sợ trách nhiệm?", Đại biểu Đặng Hồng Sỹ nhắc lại việc, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội, trong đó có cả Viện trưởng VKSND Tối cao, đều kiến nghị xem xét sửa lại điều 219 Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Theo đó, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Mức từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ bị phạt tù 3 - 12 năm; trên 1 tỷ từ 10- 20 năm. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải sớm phân loại làm rõ, luật cần bổ sung thêm các yếu tố có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ dẫn chứng việc tính giá đất, Bình Thuận có vụ việc lúc đầu tính giá đất khác nhưng sau lần 4 tính mới được, mà việc này do các cơ quan Trung ương thực hiện. Một vụ án hình sự vừa khởi tố, ban đầu từ thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng sau chỉ còn hơn 670 tỷ đồng …

Từ những vấn đề nêu trên, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề xuất, quá trình xử lý phải phân loại, đánh giá trường hợp nào có tiêu cực, trường hợp nào tham nhũng phải xử lý nghiêm. Trường hợp nào trong quá trình tính toán có thể có sai sót, không có động cơ vụ lợi thì “chúng ta nên xem xét xử lý hợp tình hợp lý hơn. Có như vậy, cán bộ, công chức mới mạnh dạn làm hơn. Giống như trong phòng chống dịch, phân loại những ai có thể làm không đúng nhưng không có động cơ vụ lợi thì xử hành chính. Người nào có tiêu cực, tham nhũng thì xử lý hình sự, làm được như vậy mới khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không dám làm. Nếu không, Nghị định 73 sẽ không được thực hiện trên thực tế.

Trần Thi