Thị trường Halal: Hướng mở xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho Bình Thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 05:08, 27/05/2024

Thị trường Halal các nước Hồi giáo là một trong những thị trường lớn nhất, đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Với hơn 2 tỷ người Hồi giáo thế giới, thị trường này tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. “Triển vọng, giải pháp thúc đẩy ngành Halal khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ” là chủ đề hội thảo được UBND tỉnh phối hợp Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin ngành Halal xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Chứng nhận Halal

Halal theo tiếng Ả Rập là những điều được phép, hợp pháp, theo quy định luật Hồi giáo. Ngược lại, Haram là không được phép, bị cấm kỵ. Thị trường Halal (cách gọi thị trường khu vực Hồi giáo) được đánh giá là tiềm năng, cơ hội cho Việt Nam; bởi gần thị trường Halal, có 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á. Quy mô thị trường Halal toàn cầu dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025 và 5.000 tỷ USD năm 2030. “Tính toàn vẹn của Halal được xem là quy trình tuân thủ “từ nông trại đến bàn ăn” ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản xuất Halal: cung ứng đầu vào, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kho bãi, vận chuyển, hậu cần, phân phối, tiêu dùng… Halal cũng đề cập đến tính bền vững, chăn nuôi nhân đạo, tôn trọng môi trường, an toàn vệ sinh và giá trị trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi chia sẻ trong hội thảo.

img_0285.jpg
Đặc sản chế biến từ thanh long Bình Thuận phù hợp tiêu chuẩn sẽ thuận tiện xuất khẩu thị trường Halal.

Do vậy, chứng nhận Halal là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của người Hồi giáo khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Để đảm bảo được chất lượng, tính an toàn của các sản phẩm, dịch vụ này, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal được công nhận bởi các tổ chức chứng nhận Halal uy tín.

Trong diễn biến liên quan, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: “Được sự ủy quyền của Bộ Khoa học & Công nghệ, TĐC vừa thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu tiêu chuẩn Halal của các thị trường cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, hướng tới xuất khẩu sản phẩm hàng hóa vào thị trường rộng lớn này. Để có thể xuất khẩu thực phẩm, nông sản sang thị trường Hồi giáo, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal. Các tiêu chuẩn này bao gồm: thực phẩm, nông sản phải được sản xuất từ nguyên liệu không chứa thành phần bị xem là Haram; quy trình sản xuất, đóng gói phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal. Đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người dùng và quy định của pháp luật Việt Nam. Các sản phẩm phải được đóng gói, ghi nhãn rõ ràng theo quy định của các tổ chức chứng nhận phù hợp (như HALCERT). Để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp cần phải có chứng chỉ Halal từ các tổ chức chứng nhận phù hợp. Chứng chỉ này là giấy tờ chứng minh cho khách hàng rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đã được kiểm tra, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Halal”.

img_8950.jpg
 Sản phẩm đặc sản Bình Thuận sẽ có nhiều thuận lợi vào thị trường Halal

Hiện nay, khu vực duyên hải Nam Trung bộ (8 tỉnh), trong đó có Bình Thuận; Đông Nam bộ (6 tỉnh, thành) có nguồn nguyên liệu như thủy sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, trà, hồ tiêu, gia vị, cao su, điều… là các sản phẩm có lợi thế cho doanh nghiệp chế biến, phù hợp tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu.

Hướng mở cho doanh nghiệp Bình Thuận

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ trong hội thảo nhấn mạnh rằng: “Đây là lần đầu tiên hội thảo tổ chức ở Bình Thuận, tạo điều kiện để các địa phương trong khu vực giới thiệu tiềm năng để tiếp cận lĩnh vực Halal. Thị trường Halal được đánh giá thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Bình Thuận có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, thực phẩm, du lịch... Tiềm năng xuất khẩu của Bình Thuận sang thị trường các nước Hồi giáo rất lớn; tuy nhiên số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thị trường Halal chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Để thúc đẩy ngành Halal khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc xây dựng hạ tầng, chuỗi cung ứng đến đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn Halal là vấn đề đặt ra cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm có hướng thâm nhập thị trường rộng lớn này. Hội thảo là dịp thúc đẩy mạnh mẽ thông tin tuyên truyền hai chiều giữa cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu”.

img_5406.jpg
img_6561.jpg
 Nông sản Bình Thuận có nhiều lợi thế tham gia thị trường Halal

Tại Bình Thuận, các công ty, doanh nghiệp, HTX chế biến thủy sản, nông sản (thanh long, sầu riêng, táo…), đáp ứng các yêu cầu chung về thực hành nông nghiệp sạch (VietGAP, HACCP…); trong giết mổ gia súc phù hợp tính nghi lễ người Hồi giáo sử dụng chích điện; sử dụng nhân sự là người Hồi giáo như người đứng đầu, nhân viên, nhóm ra quyết định chứng nhận, có chứng nhận HALCERT đều có thể xuất khẩu thị trường Halal. Ngành Halal Việt Nam đang có các sản phẩm xuất khẩu: hải sản, hoa quả (tươi/sấy), trà, sản phẩm đường, mỳ, bánh đa (bánh tráng). Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch (trang trí phòng khách sạn, nhà hàng) ở Bình Thuận phù hợp với các nước Hồi giáo sẽ đáp ứng phục vụ đông đảo khách hàng các nước này trong thời gian tới sang du lịch, khám phá các danh thắng của tỉnh. Về định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam, Chính phủ hoàn thiện các quy định quản lý ngành Halal; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Halal; xúc tiến thương mại sản phẩm Halal; hợp tác quốc tế, trước mắt đã được công nhận bởi UAE, Saudi Arabia, Qatar, Malaysia, Indonesia, Pakistan. Việc nắm vững thông tin các quy định, tiêu chuẩn thị trường Halal là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam (trong đó có Bình Thuận) gia nhập thị trường này ngày càng thuận lợi.

Thái Khoa