Mưa đến, cảnh giác bệnh sốt xuất huyết
Đời sống - Ngày đăng : 05:05, 29/05/2024
Số ca mắc giảm
Trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 460 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc được khống chế giảm dần tới đầu năm 2024, hiện tương đương ngưỡng trung bình giai đoạn 2017-2021. Riêng tháng 4/2024, toàn tỉnh ghi nhận 58 trường hợp mắc SXH rải đều các huyện, thị, thành phố, với 7 ổ dịch gồm Bắc Bình 3 ổ, 1 ổ Hàm Thuận Bắc, 1 ổ La Gi, 1 ổ Hàm Tân, 1 ổ Tánh Linh. Số mắc này giảm 30,2% so với tháng 3/2024; giảm 65,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định: Tháng 4/2024, tình hình bệnh SXH có xu hướng giảm so với tháng 3/2024, nhưng số mắc này cũng còn cao và có thể tăng nhanh trong những tháng tới.
Theo các chuyên gia y tế, SXH là bệnh lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, khi mưa xuống tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch và trứng muỗi có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì trứng đó lập tức phát triển thành lăng quăng rồi thành muỗi. Điều đáng chú ý, Bình Thuận hiện đã bắt đầu có những cơn mưa.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Năm 2022 là năm có dịch SXH lớn, so với các năm. Năm nay là năm 2024 có thể bắt đầu 1 chu kỳ mới 3 - 4 năm sẽ xuất hiện dịch SXH trở lại. Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cũng nhận một số trường hợp SXH điều trị bệnh nhân trở nặng, sốc và tái sốc, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Và đã tiếp nhận những ca bệnh các tuyến từ các tỉnh chuyển đến. Như vậy, chúng ta hết sức cảnh giác trong mùa SXH năm nay”.
Kiểm soát muỗi là quan trọng
Thực tế cho thấy toàn tỉnh hàng năm có hàng ngàn ca bệnh SXH gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ em, người lớn và áp lực cho ngành y tế. Thậm chí, có năm ghi nhận vài ca tử vong do mắc bệnh này. Thời gian qua, Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh SXH. Tuy nhiên, trung tuần tháng 5/2024, Bộ Y tế cấp phép mới một số vắc xin. Trong đó, có vắc xin phòng bệnh SXH (vắc xin Qdenga phòng SXH do hãng dược phẩm Takeda sản xuất). Việc sử dụng vắc xin là biện pháp phòng ngừa, giúp làm giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở trẻ em, người lớn.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: Vắc xin phòng bệnh SXH không ngăn ngừa tất cả các trường hợp mắc bệnh, là một phần để kiểm soát bệnh này. SXH là bệnh lây truyền từ người sang người, chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi bị nhiễm vi rút. Song hành việc chủ động tiêm vắc xin tạo miễn dịch, kiểm soát trung gian truyền bệnh (kiểm soát muỗi truyền bệnh) trong cộng đồng là một hoạt động cần thiết và quan trọng của phòng chống SXH và các dịch bệnh khác. Đó là kiểm soát mật độ lăng quăng, muỗi; phát hiện ca bệnh, điều trị kịp thời; giáo dục cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng chung tay phòng bệnh.
Bình Thuận hiện bắt đầu có những cơn mưa xuất hiện, điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển truyền bệnh. Mặc dù số mắc SXH của Bình Thuận giảm so với cùng kỳ, nhưng mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh này ngay từ bây giờ để ngăn chặn số ca mắc bệnh SXH tăng cao. Cụ thể, ngăn không cho muỗi đẻ trứng bằng cách đậy kín vật dụng chứa nước, dọn phế thải quanh nhà, không để ứ đọng nước; ngăn không cho muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, diệt muỗi và xua muỗi bằng vợt, kem xua muỗi…