Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 03/06/2024

Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Trong hội nghị Chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp Bình Thuận, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất, chất lượng với các quốc gia khác. Qua đó, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam do Chính phủ ban hành, được triển khai đã góp phần đạt mục tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP lên 35% vào năm 2020. Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Quyết định đã đặt mục tiêu “hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

img_4240.jpg
img_4244.jpg
Xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Trong khuôn khổ này, lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ cho hay, “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Bình Thuận trong 5 năm (2021- 2025) đã được UBND tỉnh ban hành. Thông qua đó, Sở Khoa học & Công nghệ đã xây dựng 12 mô hình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh - dịch vụ thông minh; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Cụ thể, có 5 mô hình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001/ISO 22000/HACCP); 2 mô hình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng (5S/KPI); 5 mô hình hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia các chương trình trên liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận (khu dân cư Bắc Xuân An, TP. Phan Thiết) để được hướng dẫn thực hiện, được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh, cùng vốn đối ứng của doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh.

“Để thích ứng, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp trong tỉnh cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần triển khai các nhóm giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu, marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị, đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ thêm.

Thụy Khanh