Giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 05:06, 04/06/2024

Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra và cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh vừa ban hành kế hoạch giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Nhóm thực phẩm có nguy cơ cao

Các đơn vị tập trung đánh giá nhóm thực phẩm có nguy cơ cao như thịt, sản phẩm thịt, thủy sản, sản phẩm thủy sản, trứng, sản phẩm trứng, sữa, sản phẩm sữa, nước đá dùng liền, nước uống đóng chai đang sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường. Đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm được bày bán, kinh doanh, phục vụ ăn uống trong các khu du lịch, lễ hội, các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện.

Phân tích, đánh giá các chỉ tiêu ô nhiễm thực phẩm theo các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về an toàn thực phẩm hiện hành. Đề ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

kt-attp.jpg
Kiểm tra cơ sở làm chả.

Thông qua đó là tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đang sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường trên địa bàn tỉnh. Cũng như giảm thiểu tác hại do thực phẩm không đảm bảo an toàn gây ra, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và cảnh báo đến người tiêu dùng.

Cách thức lấy mẫu

Mỗi loại mẫu thực phẩm giám sát đánh giá nguy cơ được lấy ít nhất 1 phần đảm bảo đủ khối lượng để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Mẫu thực phẩm giám sát cần ghi đầy đủ các thông tin trên nhãn. Cụ thể, tên mẫu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, quy cách đóng gói, lô sản phẩm, đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối/nhập khẩu, địa điểm lấy mẫu, thời gian lấy mẫu, tình trạng mẫu theo nội dung biên bản lấy mẫu được quy định tại Thông tư số 01 ngày 18/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Sau khi lấy mẫu, mẫu sản phẩm thực phẩm được bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất, chế biến và được chuyển đến đơn vị kiểm nghiệm trong thời gian sớm nhất. Mẫu được kiểm nghiệm tại các đơn vị có đủ năng lực theo quyết định chỉ định của Bộ Y tế và các bộ quản lý chuyên ngành có liên quan. Tiêu chuẩn đánh giá theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm hiện hành.

Mẫu có kết quả kiểm nghiệm không đạt, thì tiến hành truy xuất nguồn gốc những sản phẩm có kết quả mẫu giám sát không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra, hậu kiểm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kết quả mẫu giám sát không đạt, lấy mẫu sản phẩm thực phẩm theo quy trình kiểm tra, hậu kiểm để kiểm nghiệm lại các chỉ tiêu không đạt. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định, đồng thời công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

T. MINH