Tái diễn chiêu trò giả danh cảnh sát lừa bán sách nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy
Pháp luật - Ngày đăng : 05:06, 06/06/2024
Trước những hậu quả khôn lường mà các vụ hỏa hoạn gây ra, thời gian vừa qua Bộ Công an đã có những thay đổi về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Công tác kiểm tra các chứng nhận, giấy tờ có liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy cũng được lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên. Theo cơ quan công an, các đối tượng xấu đã lợi dụng Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó mục tiêu đặt ra là 100% hộ gia đình nhà để ở, hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC và mỗi hộ gia đình nhà để ở, hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có ít nhất 1 người được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ; 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC… Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã giả danh là cán bộ công an gọi điện cho người dân để bán tài liệu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đối tượng lừa đảo thường thông qua hình thức gọi điện đến các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, trường học, người dân, nhất là các cơ sở kinh doanh mới hoạt động, giới thiệu mình là cán bộ phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu làm các giấy tờ liên quan, bán sách, tài liệu, các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với giá cao hơn so với giá thị trường.
Thời gian qua một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cơ quan nhà nước (gọi chung là các cơ sở) trên địa bàn tỉnh phản ánh tình trạng có một số đối tượng gọi đến số điện thoại của các cơ sở, tự xưng là cán bộ công an phụ trách địa bàn, liên hệ giới thiệu bán sách, tài liệu về PCCC phục vụ cho huấn luyện để cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ PCCC nhằm chiếm đoạt tiền; sau khi giao hàng, các đối tượng yêu cầu thanh toán trực tiếp cho người chuyển hàng, đồng thời hứa hẹn khi nào cơ quan công an huyện mở lớp tập huấn sẽ thông báo, khi tham gia lớp tập huấn sẽ không phải đóng bất kỳ một khoản chi phí nào và kết thúc tập huấn chắc chắn sẽ được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Điểm chung của các vụ việc trên là các đối tượng nắm khá rõ về các cơ sở, biết được loại hình kinh doanh, lĩnh vực hoạt động và biết các cơ sở này thuộc diện quản lý về công tác PCCC, thậm chí nắm được tâm lý của người đứng đầu cơ sở sợ bị kiểm tra, xử lý. Do đó, các đối tượng đã lợi dụng yêu cầu người đứng đầu các cơ sở phải mua tài liệu để phục vụ tập huấn nghiệp vụ PCCC. Khi cơ sở gọi điện thoại lại cho số điện thoại đã gọi đến thì không liên lạc được. Bên cạnh đó, các cơ sở chỉ nhận tài liệu và thanh toán tiền qua đường bưu điện, các đối tượng không trực tiếp giao dịch nên rất khó cho cơ quan công an trong quá trình triển khai các biện pháp đấu tranh, xác minh làm rõ và xử lý.
Lực lượng công an khuyến cáo người dân cần cẩn thận với thủ đoạn này. Khi mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC, công an huyện sẽ có văn bản thông báo gửi đến cho các cơ sở trên địa bàn biết. Nếu cơ sở có nhu cầu thì có thể cử đại diện đến Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các địa phương để đăng ký tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH hoặc có thể nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công theo quy định.
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng giả danh cán bộ công an để bán sách từng xảy ra ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Tại Bình Thuận đã có không ít người “sập bẫy”. Cơ quan công an khuyến cáo, để không bị mắc bẫy, người dân, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh không nên giao dịch, mua bán và làm việc với các đối tượng lạ tự xưng là công an qua điện thoại; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản hoặc chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Khi phát hiện những đối tượng, cuộc gọi điện thoại khả nghi cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn.