Phát động thi đua giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm
Xã hội - Ngày đăng : 08:59, 06/06/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng Chủ trì cuộc họp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính Phủ giao cho Bình Thuận năm 2024 là 4.706,1 tỷ đồng. Giá trị giải ngân ước đến ngày 31/5/2024 khoảng 892 tỷ đồng, đạt 17,55% so với kế hoạch, xếp thứ 48/63 tỉnh thành trong cả nước.
Toàn cảnh cuộc họp
Cụ thể, các dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư với tổng số kế hoạch vốn hơn 1.412,7 tỷ đồng, tính đến ngày 20/5/2024 giải ngân hơn 420,15 tỷ đồng, đạt 29,74%. Trong đó, 3 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn, 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn. Còn các dự án do 3 Ban QLDA đầu tư xây dựng cấp tỉnh làm chủ đầu tư có tổng kế hoạch vốn hơn 2.077,97 tỷ đồng, đã giải ngân 197,3 tỷ đồng, đạt 9,49% kế hoạch…
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng qua của tỉnh đạt thấp, nguyên nhân do công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn nhiều hạn chế. Nổi lên, việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án còn chậm, dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngay từ đầu năm để thực hiện đấu thầu, thi công.
Bên cạnh đó, các dự án hoàn thành, chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, để thanh toán dứt điểm cho dự án hoàn thành, tất toán công trình. Một số dự án đang triển khai thực hiện thi công vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, khi tiến hành cưỡng chế thì hồ sơ còn thiếu xót chưa thực hiện được.
Ông Nguyễn Hữu Trung - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh báo cáo
Ông Phan Đức Thanh - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh báo cáo
Ông Phan Thanh Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh
Một số sở, ban, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt, chưa sâu sát để xử lý, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn. Năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn; đồng thời, một số nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế năng lực yếu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng điều hành thảo luận
Tại cuộc họp, các địa phương, lãnh đạo các sở ngành, các Ban quản lý dự án của tỉnh báo cáo làm rõ khó khăn, vướng mắc phân tích ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để tập trung tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đánh giá, mặc dù ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, thường xuyên tổ chức các cuộc họp đôn đốc nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đạt rất thấp, hiện còn hơn 527 tỷ đồng chưa phân bổ. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân đề xuất các giải pháp đột phá khắc phục.
Đầu tư công thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần xác định rõ công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, phải ưu tiên để chỉ đạo, quyết tâm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị người đứng đầu cần nắm vững, bám sát tình hình thực tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá tiến độ, tình hình triển khai theo kế hoạch và đánh giá cam kết giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, triển khai các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chú ý tập trung cao độ đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, công trình trọng điểm, nhất là ở các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, công nghiệp dân dụng.
Trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án để xác định rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm triển khai. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát và đôn đốc các chủ đầu tư đã cam kết khối lượng giải ngân. Đề nghị cấp ủy, các cơ quan đơn vị, địa phương cần nghiên cứu ban hành các chỉ thị, văn bản để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phát động thi đua giải ngân vốn đầu tư công nước rút 6 tháng cuối năm, khẩn trương phân khai hết số vốn còn lại. Đồng thời, các chủ đầu tư khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ dự án, trình phê duyệt đối với 73 dự án chưa phê duyệt, phải lập thời gian hoàn thành cụ thể. Các dự án bố trí vốn khởi công mới năm 2024, cần khẩn trương thực hiện đấu thầu xây lắp theo đúng quy định, chậm nhất đến tháng 7/2024 phải hoàn thành...