Kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2024): Lời hiệu triệu toàn dân

Chính trị - Ngày đăng : 05:06, 11/06/2024

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với mục đích động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. 76 năm đã trôi qua, dù bối cảnh đất nước đã đổi thay rất nhiều nhưng sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước do Người khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng lan tỏa sâu rộng.

Lời kêu gọi – “Sợi chỉ đỏ” của lòng yêu nước

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Tại chiến khu Việt Bắc, ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi thi đua yêu nước. Người chỉ rõ, kinh tế đất nước lạc hậu nhưng lòng yêu nước và ý chí quật cường không thua kém ai. Muốn tự cấp, tự túc thì mọi tầng lớp nhân dân phải tăng gia sản xuất, có như vậy: “Kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”. Đây được xem là văn bản đầu tiên Người nói về thi đua yêu nước.

z5524852479502_d693d5a942ef63f4f77b25f88f70bf68.jpg

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Người kêu gọi: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.

Lời kêu gọi của Người đã tạo ra sức sống mới, mãnh liệt cho các phong trào thi đua được phát động trước đó và thúc đẩy ra đời nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước mới. Điển hình là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo”; Lực lượng công nhân có phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; Lực lượng nông dân có “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đội ngũ công nhân, viên chức, cựu chiến binh, thanh niên, sinh viên có phong trào “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; “Thi đua dạy tốt, học tốt”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện”... Trong quân đội có phong trào “Thi đua quyết thắng”. Trong lực lượng công an có phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”... Những phong trào thi đua đó đã tạo nên sức mạnh cả về vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

Vang mãi lời Người

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”; quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; 76 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng cả về tính chất và quy mô, thu hút các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Điển hình trong những tấm gương sáng ấy có đồng chí Thiếu tá Nguyễn Thanh Hùng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát - Bí thư Đoàn cơ sở Công an huyện Hàm Thuận Bắc. Đồng chí Hùng cho biết: Từ lúc nhỏ bản thân có ước mơ trở thành chiến sĩ cảnh sát hình sự và đã cố gắng học tập, rèn luyện để biến ước mơ đó thành hiện thực. Từ năm 2008 cho đến nay, đồng chí đã trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự. Do đặc thù của công việc nên đồng chí thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng nổi cộm, nhiều lúc rất là nguy hiểm, đôi lúc cũng cảm thấy lo sợ tuy nhiên, với lý tưởng đã chọn, đồng chí chưa bao giờ có cảm giác nản hay e sợ trước bất kỳ đối tượng, tình huống nào. “Càng làm tôi càng cảm thấy yêu thích, hăng say với con đường tôi đã lựa chọn. Mỗi lần phá được 1 vụ án hay làm được 1 việc gì đó, dù nhỏ nhưng đem lại niềm vui, bình yên cho người dân thì tôi cảm thấy đó là động lực để bản thân tiếp tục cố gắng, rèn luyện, phấn đấu hơn”, đồng chí Hùng cho hay.

Hay như, Nguyễn Lê Gia Lin - Bí thư Đoàn phường Hưng Long - TP. Phan Thiết đã cho thấy sự năng động và nhiệt tình của mình trong các hoạt động Đoàn ở địa phương. Anh Lin chia sẻ, sinh thời, Bác luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên của nước nhà. Bác căn dặn thanh niên: “Phải không sợ khổ, không sợ khó, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ghi nhớ lời Bác, bản thân anh luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, năng động, dám nghĩ, dám làm, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của địa phương. Đặc biệt, những năm gần đây, với vai trò là Bí thư Đoàn phường, bản thân anh đã triển khai sâu rộng cuộc vận động “Tuổi trẻ Hưng Long học tập và làm theo lời Bác” với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên hưởng ứng và tích cực tham gia, điển hình như cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”... Qua đó giúp cho thanh niên khẳng định được tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo vì sự phát triển của cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra; đồng thời cũng là năm chuẩn bị cho Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến đến Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI vào năm 2025. Để phát huy những kết quả đạt được, đưa phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cũng đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực của đời sống - xã hội. Trong đó cần quán triệt và tuyên truyền sâu kỹ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả; gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trên cơ sở, đó xây dựng kế hoạch tổ chức phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước bằng các biện pháp, giải pháp hữu hiệu, thiết thực ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức và về trước thời hạn tất cả các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Người đứng đầu các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức Bình Thuận thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương Bình Thuận”, “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí”… tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá đã xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.

76 năm đã trôi qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thúc giục tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Chạm vào dấu mốc 76 năm là thời khắc vô cùng ý nghĩa để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trên địa bàn tỉnh trân trọng những thành quả đã đạt được; đồng thời bồi đắp niềm tin yêu để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Bình Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngọc Diệp