Nhiều “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Bình Thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 17/06/2024

Dù tình hình chung còn nhiều khó khăn và thách thức, song kinh tế Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm nay vẫn có những “điểm sáng”, nổi bật với các ngành, lĩnh vực được xác định là trụ cột…

Trong nửa đầu năm 2024, Bình Thuận ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) khoảng 7,1% so cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành cả nước. Kết quả này cũng đưa địa phương xếp vị thứ 6/14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung về tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm nay.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế Bình Thuận vẫn có những gam màu sáng đóng góp từ các ngành, lĩnh vực được xác định là trụ cột: Công nghiệp - Du lịch - Nông nghiệp. Cụ thể qua 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp thể hiện mức tăng trưởng khá với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng xấp xỉ 13% so cùng kỳ năm ngoái. Đối với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 20.903 tỷ đồng (tăng 9,61% so cùng kỳ), tính riêng công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 8.772 tỷ đồng (tăng 3,67%), còn sản xuất - phân phối điện đạt 10.893 tỷ đồng (tăng 17,54%).

img_5361.jpg
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại KCN Phan Thiết - giai đoạn 1 (Ảnh minh họa).

Đối với du lịch - 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan thông qua tình hình hoạt động diễn ra sôi động từ đầu năm 2024 đến nay, nhất là vào dịp lễ tết, cuối tuần. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 642 cơ sở lưu trú đưa vào sử dụng với tổng cộng 20.164 phòng (đã xếp hạng 61 cơ sở lưu trú với hơn 5.500 phòng), hiện Bình Thuận tiếp tục là điểm đến hút khách nhờ thế mạnh về du lịch biển - đảo, giao thông và thời tiết thuận lợi, ẩm thực phong phú… Dự ước trong nửa đầu năm nay, toàn tỉnh đón khoảng 4.590.000 lượt khách (tăng hơn 5% so cùng kỳ năm ngoái), riêng khách du lịch quốc tế có 234.000 lượt (tăng 91,18%). Từ kết quả đón, phục vụ khách đã góp phần đưa doanh thu hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận trong 6 tháng qua ước đạt 11.832 tỷ đồng (tăng 4,31% so cùng kỳ).

Ở lĩnh vực nông nghiệp, hiện các loại cây lâu năm tại địa phương vẫn duy trì ổn định với tổng diện tích đạt hơn 108.500 ha (tăng 0,14% so cùng kỳ), trong đó: Cây thanh long 26.550 ha, cây cao su 45.450 ha, cây điều hơn 17.000 ha. Qua nửa đầu năm 2024, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh ước đạt 111.200 tấn (tăng 1,77% so cùng kỳ) và sản lượng thủy sản nuôi ước đạt 4.045 tấn (tăng 2,62%). Đối với sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ ước đạt 11,13 tỷ post, so cùng kỳ năm trước tăng hơn 2%...

img_3410.jpg
Hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian qua.

Hướng đến thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024, tới đây địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Bình Thuận, nhất là với 3 trụ cột: Công nghiệp - Du lịch - Nông nghiệp. Theo đó sở ngành, đơn vị chức năng và địa phương liên quan sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận, nhất là với những khu công nghiệp quy mô như Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức.

Ngoài đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, trong nửa cuối năm nay địa phương còn thực hiện chương trình kích cầu phù hợp nhằm nhanh chóng phát triển thị trường du lịch. Tiếp tục đa dạng các sản phẩm mới và đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ để góp phần giữ vững hình ảnh điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn - Chất lượng”.

Trong nửa đầu năm 2024, Bình Thuận đã thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Song song đó cũng tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu. Đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả hệ thống giám sát hành trình trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, giám sát tàu cá ra/vào cảng, bốc dỡ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản và thực thi pháp luật về khai thác IUU theo đúng quy định…

QUỐC TÍN