La Gi kiên quyết ngăn chặn tàu thuyền xâm phạm lãnh hải

Kinh tế - Ngày đăng : 05:08, 17/06/2024

Thị xã La Gi là địa phương có số lượng tàu thuyền công suất lớn đánh bắt thủy sản xa bờ nhiều nhất tỉnh Bình Thuận với 679/2.448 chiếc/467.491 CV.

Trong số đó, nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép là nhóm nghề câu khơi, tập trung ở các địa phương có nhiều tàu cá (như phường Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân). Ngoài ra, số tàu cá thường xuyên hoạt động, lưu trú trên các vùng biển ngoài tỉnh cũng thuộc nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Vì thế, việc quản lý tàu thuyền đi vào vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp là bài toán vô cùng khó khăn.

Để chung tay cùng cả nước xóa “thẻ vàng”, thị xã La Gi triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt nhiều nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Trong đó, riêng đối với công tác quản lý tàu cá có nguy cơ cao, thị xã đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản tỉnh; chỉ đạo các ngành chức năng kiểm soát chặt các tàu thuyền hành nghề câu khơi, nhóm tàu thường xuyên xuất bến ngoài tỉnh và các tàu có thuyền trưởng, thuyền viên đã từng bị xử lý vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đó phân công cán bộ, đảng viên, chiến sĩ biên phòng phụ trách đối với các phương tiện này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 và các nghị định liên quan khác. Theo đó, trước khi xuất bến, ra khơi đánh bắt thủy sản, lực lượng chức năng yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng viết cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng biên phòng La Gi đã tiến hành cho hơn 1.200 lượt chủ tàu, thuyền trưởng viết bản cam kết.

Đại úy Cao Đức Thành - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cảng La Gi cho biết: Lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 152 buổi/540 lượt cán bộ chiến sĩ tuần tra, kiểm soát trên sông, trên biển. Qua đó, kịp thời phát hiện, giáo dục, răn đe, xử lý vi phạm hành chính đối với các phương tiện không đầy đủ thủ tục, giấy theo quy định, dẫn đến không chấp hành pháp luật khi hành nghề trên biển. Kiểm soát, chốt chặn các cửa sông, cửa biển kịp thời phát hiện các phương tiện có biểu hiện nghi vấn vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên quyết không cho xuất bến hoạt động đối với các phương tiện không đủ điều kiện thủ tục mà pháp luật quy định...

Bên cạnh triển khai viết cam kết, từ năm 2023 đến nay, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các phường, xã đã phối hợp tổ chức 4 lớp tuyên truyền/326 lượt chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân đánh bắt xa bờ; phối hợp tổ chức 2 chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Đáng chú ý, đã phối hợp các chức sắc tôn giáo, linh mục nhà thờ tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài; thành lập 2 mô hình giáo họ không có giáo dân tham gia đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài; treo 18 bảng pano trên các trục đường chính với nội dung chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; phát thanh trên hệ thống truyền thanh không dây 2 lượt/ngày, phát lưu động 2 lượt/ngày (1 tuần/3 ngày) đến từng ngõ, ngách ở khu phố; treo bảng thông báo công khai quyết định của UBND tỉnh xử phạt đối với 2 tàu cá phường Phước Hội vi phạm vùng biển nước ngoài năm 2022 với số tiền 900 triệu đồng/tàu tại 04 điểm khu phố phường nhằm tạo tính răn đe.

Để các chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài, thị xã La Gi chỉ đạo các địa phương ven biển phối hợp với ngành chức năng tập trung cao điểm hoàn thành việc rà soát, thống kê tàu cá hiện có. Số tàu cá “03 không” phát sinh chưa đăng ký được phân loại cụ thể và quản lý chặt chẽ. Thường xuyên bố trí lực lượng từng địa bàn, đến làm việc trực tiếp từng hộ, nắm đầy đủ thông tin về tàu cá, đặc biệt là các tàu cá thường xuyên neo đậu, hoạt động tại vùng biển các tỉnh miền Tây.

Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt, cùng hàng loạt những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ. La Gi đang nỗ lực, thực hiện có hiệu quả, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ đầu, không để tái diễn tình trạng tàu cá ngư dân địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam trong thời giam sớm nhất.


Minh Duyên