Lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Xã hội - Ngày đăng : 05:14, 17/06/2024
Những kết quả nổi bật
Ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: 5 năm qua, thực hiện Kết luận 49-KL/TW và các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã kịp thời phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các đề án, chương trình của Chính phủ đến năm 2025 và cho cả giai đoạn đến năm 2030. Tập trung là triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập, các chương trình về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, về xây dựng mô hình công dân học tập. Qua đó, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò công tác khuyến học, khuyến tài, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Điều đáng mừng, 5 năm qua, các cấp Hội Khuyến học từ tỉnh xuống cơ sở đã có nhiều có cố gắng kiện toàn và phát triển các tổ chức hội, nhất là các chi hội và ban khuyến học trong các trường học, cơ quan đơn vị và lực lượng vũ trang. Toàn tỉnh ổn định 124/124 xã, phường, thị trấn có Ban Chấp hành Hội Khuyến học cơ sở; 1.554 chi hội và 268 ban khuyến học. Các tổ chức Hội hoạt động đi vào thực chất hơn, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”. Cùng với đó, việc triển khai xây dựng các mô hình học tập được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2023, toàn tỉnh 4 danh hiệu gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập đều vượt chỉ tiêu năm 2025 theo Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, có 10/10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức đăng ký, xét đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 31 sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đơn vị cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 677 năm 2023 về “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”.
Song song đó, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp tốt với Mặt trận, Sở Giáo dục & Đào tạo và cơ quan liên quan để triển khai nhiệm vụ được giao, đồng thời thu hút nhiều hơn sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tầng lớp nhân dân ủng hộ Quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường”. Tính chung 5 năm, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” và Hội Khuyến học các cấp đã vận động ủng hộ vào Quỹ Khuyến học 198,67 tỷ đồng (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật).
Phát triển bền vững các mô hình học tập
Theo ông Trung, việc triển khai thực hiện Kết luận 49 còn gặp một số khó khăn, hạn chế như công tác tuyên truyền thực hiện xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa sâu kỹ, chưa đều, tỷ lệ đăng ký còn thấp. Việc xem xét kết quả đánh giá kết quả các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập ở cấp xã, một số nơi chưa chú ý xem xét bảo đảm tỷ lệ bắt buộc phải đạt tiêu chí “Công dân học tập” trong từng mô hình. Mặt khác, việc vận động hội viên, nhân dân tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã còn khó khăn.
Mới đây, Đoàn công tác Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có buổi khảo sát, kiểm tra việc sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW và triển khai các quyết định 387/QĐ-TTg, 677/QĐ-TTg về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại tỉnh Bình Thuận. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, Hội Khuyến học của tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình học tập đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tham gia học tập và thấy rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành hỗ trợ, chia sẻ, quan tâm đến Hội Khuyến học trong việc xây dựng các mô hình.
Ông Lê Mạnh Hùng đề nghị Hội Khuyến học tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa Kết luận 49 của Ban Bí thư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập. Trong đó, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, tầm quan trọng của học tập trong tình hình hiện nay. Cần phát triển bền vững các mô hình học tập; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trong việc phối hợp các cấp, ngành triển khai thực hiện đồng bộ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, quan tâm phát triển các loại hình quỹ hỗ trợ khuyến học để hỗ trợ người lớn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được học tập, để ai cũng có cơ hội học tập, bình đẳng trong học tập.
5 năm, các cấp Hội Khuyến học trong toàn tỉnh đã cấp 50.104 suất/61,22 tỷ đồng học bổng “Tiếp bước cho em đến trường”; 252.645 suất/78,97 tỷ đồng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học; 222.060 suất/24,825 tỷ đồng khen thưởng học sinh; 2.860 suất/1,02 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên; 6,978 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa trường lớp…