Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, là vị thế, hình ảnh của quốc gia
Kinh tế - Ngày đăng : 19:52, 17/06/2024
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã báo cáo tình hình, kết quả chống khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban Châu Âu (EC) đến nay. Đồng thời, bàn các giải pháp, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5.
Sau gần 7 năm (kể từ ngày 23/10/2017) thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; qua 4 đợt thanh tra của EC đến nay, tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, khung pháp lý đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, kịp thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Thông tư 23/2019/TT-BNN liên quan đến các vấn đề về kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng tàu container; quy định xử phạt hành vi vượt ranh giới cho phép trên biển được phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá và giải quyết vấn đề tàu cá “3 không” – không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Đặc biệt, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết 04 ngày 12/6/2024 áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được siết chặt hơn trước…
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Đến nay vẫn chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp thiết bị VMS và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế, công tác xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, thống nhất và chưa đồng đều giữa các địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Khánh Hòa, Cà Mau báo cáo nhanh một số khó khăn đang gặp phải khi thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU như: tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra, việc tháo thiết bị VMS gửi cho các tàu khác đang phức tạp; quản lý, giám sát đội tàu trên bờ lẫn dưới biển chưa chặt chẽ; vẫn còn tình trạng tàu cá không cập cảng bốc dỡ thủy sản theo quy định… Qua đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa xem xét xử lý hình sự 3 doanh nghiệp gian lận trong hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo kiến nghị của EC tại đợt thanh tra lần 4, theo Nghị quyết 04 mới ban hành.
Liên quan đến những vướng mắc xung quanh tàu “3 không”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho biết, Bình Thuận là tỉnh có số lượng tàu lớn với hơn 8.000 chiếc, do đó công tác quản lý đội tàu gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường rà soát, thống kê, kiểm soát và cấp phép tạm tàu “3 không” với số lượng 2.515 chiếc. Tuy nhiên, hiện nay, con số này vẫn còn phát sinh do công tác quản lý tàu cá ở các địa phương chưa chặt chẽ. UBND tỉnh cam kết đến tháng 9 sẽ nỗ lực rà soát dứt điểm xử lý tàu “3 không”, không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu địa phương trong 2 tuần phải lập danh sách những tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và có phương án quản lý chặt đội tàu này. Nếu sau đó, 1 trong những tàu nằm trong danh sách này vi phạm vùng biển nước ngoài, thì lãnh đạo UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội liên quan đóng góp các ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó sự ra đời Chỉ thị 32 của Ban Bí thư cho thấy sự quyết tâm rất cao. Bên cạnh đó, Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán vừa ban hành, trong đó có 10 nhóm hành vi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây được xem là nội dung cốt lỗi của hội nghị BCĐ lần thứ 10.
Tuy nhiên, dựa theo các khuyến nghị của EC trong lần kiểm tra lần 4, Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; tình trạng tháo thiết bị VMS và gửi cho tàu khác đang phức tạp; kiểm soát tàu cá vẫn còn lỏng lẻo…
Do đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, là vị thế, hình ảnh của quốc gia. Đây là thời điểm vàng để gỡ “thẻ vàng” IUU nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Yêu cầu các bộ, ngành trung ương và các địa phương phát động đợt cao điểm trong 3 tháng, gấp rút hoàn thiện các giải pháp trước khi đoàn EC sang kiểm tra lần 5, khuyến khích các địa phương có chính sách riêng nếu thấy phù hợp. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh triển khai triệt để, tuyên truyền sâu rộng, tác động của Nghị quyết 04, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe. Đồng thời, tăng cường quản lý đội tàu, quyết liệt trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; xử lý các vi phạm IUU…