Hàm Thuận Nam: Hướng sản xuất thanh long “xanh” để đáp ứng cung - cầu
Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 18/06/2024
Vùng trồng thanh long lâu năm, chủ lực
Nếu như Hàm Thuận Nam được mệnh danh là thủ phủ thanh long của Bình Thuận, thì xã Hàm Minh là nơi người dân địa phương trồng và phát triển cây thanh long lâu năm, và là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Đình Hà – Chủ tịch UBND xã Hàm Minh, hiện nay nông dân tập trung sản xuất cây thanh long, với diện tích hơn 2.000 ha/3.871 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Đáng chú ý, cây thanh long được bà con trồng từ năm 1996 với với diện tích nhỏ lẻ, quá trình sản xuất thô sơ theo thời vụ, đến năm 2010 cây thanh long phát triển mạnh mẽ về diện tích, sản lượng cũng như là đa dạng giống cây trồng như thanh long ruột đỏ, tím hồng... và được quy hoạch là cây trồng chủ lực của xã. Trên cơ sở đó nhiều trang trại được hình thành, hợp tác xã ra đời thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp về sản xuất cũng như là tiêu thụ sản phẩm.
Một số hộ trồng thanh long tại xã Hàm Minh chia sẻ, thời điểm trước đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn ổn định. Cùng với đó, địa phương có nhiều mô hình tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sản xuất và thu mua thanh long. Tuy nhiên, hiện nay bức tranh sản xuất thanh long ít nhiều có thay đổi. Diện tích sản xuất thanh long có xu hướng giảm ở các hộ nhỏ lẻ và tăng ở quy mô trang trại, doanh nghiệp sản xuất lớn phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó các vựa tiêu thụ thanh long giảm, xu hướng sản xuất cung ứng thị trường nội địa tăng nhanh.
Để đáp ứng hài hòa cung – cầu và đòi hỏi khắt khe của thị trường, cùng với kinh nghiệm của những “lão nông tri điền”, thời gian qua nông dân đã áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất như chong đèn trái vụ, tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, béc phun sương để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Đặc biệt là sản suất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ, chuỗi thanh long xanh, nhằm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước đặc biệt hơn là thị trường quốc tế. Theo đó, người dân đang dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Hướng đến “sản xuất xanh”
Xuất phát từ sự thay đổi xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh, hoạt động sản xuất ngành hàng thanh long trên địa bàn xã đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đang dần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất “xanh”. Đồng thời nhận định “sản xuất xanh” là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp nông nghiệp xã Hàm Minh nói riêng và nông nghiệp Bình Thuận nói chung hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất đã đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung. Đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tại Hàm Minh đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, hoạt chất không gây độc hại. Song song, đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh. Đơn cử như kinh nghiệm được chia sẻ tại Công ty TNHH XNK Trịnh Anh, với cách sản xuất sạch liên hoàn, khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Hay tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Thanh long Hàm Minh 30, các thành viên HTX đã nâng dần từ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP lên GlobalGAP với hơn 20 ha, ứng dụng các hệ thống tưới tiết kiệm nước bằng công nghệ tiên tiến. Các hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày, từ vật tư sản xuất đầu vào tới đầu ra được theo dõi trên hệ thống ghi chép điện tử, qua đó minh bạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dần xây dựng được sản phẩm theo chuỗi “thanh long xanh”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trên địa bàn đã lựa chọn kinh tế tuần hoàn để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất... cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch... Có thể nói, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cùng với nhiều người trồng thanh long trong tỉnh, nông dân Hàm Minh đang dần khẳng định vị thế của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm ngành hàng thanh long về chất lượng, tính minh bạch, an toàn, thân thiện môi trường.
Theo ông Trần Văn Lanh – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam, trong năm 2024, huyện dự kiến giao chỉ tiêu chứng nhận thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm cấp mới 600 ha, tái cấp 601 ha. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không phát triển thêm diện tích.
Đồng thời, đầu tư thâm canh theo hướng an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, mở rộng diện tích sản xuất thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, tăng cường vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và tập trung tiêu hủy nguồn bệnh để hạn chế thấp nhất bệnh đốm nâu trên thanh long, hướng sản xuất thanh long “xanh” để đáp ứng cung - cầu.