Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ mới: Khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo

Du lịch - Ngày đăng : 05:12, 18/06/2024

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định (số 509, ngày 13/6/2024) về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Còn đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. Với tầm nhìn đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, là điểm đến nổi bật toàn cầu và trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

img_5210.jpg
img_3156.jpg
Bình Thuận có thế mạnh về du lịch biển, đảo và thể thao giải trí trên biển.

Về định hướng phát triển không gian du lịch sẽ hình thành 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch và hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia, địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia… Đối với khu vực động lực, đến 2030 tập trung hình thành 6 khu vực động lực phát triển du lịch: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận; TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu; Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau. Giai đoạn sau 2030, tiếp tục hình thành 2 khu vực động lực phát triển du lịch: Lào Cai - Hà Giang; Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.

Trong đó, khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận được định hướng thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với vùng Tây nguyên. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với nghỉ dưỡng biển, văn hóa vùng đồng bằng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên…

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ mới cũng định hướng phát triển sản phẩm, nhất là khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển. Hay như phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế… Cùng với đó phát triển sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm: Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; đô thị đặc thù: Đô thị di sản Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên Huế); đô thị trọng điểm phát triển du lịch: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang). Mặt khác còn chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.

Để góp phần triển khai thực hiện quy hoạch đem lại hiệu quả, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các giải pháp về: Cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý hoạt động du lịch; liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; Đầu tư thu hút nguồn lực; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực; Ứng dụng khoa học, công nghệ…

Đ.QUỐC